Chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu TCH của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy đã tăng hơn 30% sau 4 tháng tích lũy quanh mốc 13.000 đồng/cổ phiếu. Hiện, cổ phiếu TCH đang dừng ở mức 18.350 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 14/5), cũng là mức đỉnh cao nhất trong hơn 2 năm qua, kể từ tháng 3/2022.
Theo đó, vốn hóa thị trường của công ty tăng lên, vượt mốc 12.261 tỷ đồng chỉ sau 2 tháng giao dịch.
Hiện, ông Đỗ Hữu Hạ đang là cổ đông lớn nhất tại Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy với tỷ lệ sở hữu 262 triệu cổ phiếu, tương đương 39,23% vốn. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hà, vợ của ông Hạ cũng đang nắm gần 33 triệu cổ phiếu, tương đương 4,8% vốn. Với số cổ phần sở hữu gần 295 triệu cổ phiếu, tài sản của vợ chồng ông Hạ tại doanh nghiệp này đã tăng thêm 1.578 tỷ chỉ sau 2 tháng, lên mức 5.413 tỷ đồng.
Đà bứt phá của cổ phiếu TCH được cho là hưởng lợi từ những thông tin xoay quanh những dự án quỹ đất gần đây, nhất là khi huyện Thủy Nguyên lên thành phố trực thuộc Hải Phòng.
Không chỉ vậy, đà tăng này còn được củng cố bởi kết quả kinh doanh khởi sắc. Trong quý IV/2023 (niên độ từ 1/1/2024 – 31/3/2024), doanh thu thuần của công ty ghi nhận 1.621 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp đôi lên 455 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 3.805 tỷ đồng và 1.182 tỷ đồng, tăng 82% và 146% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Động lực thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ của Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy đến từ mảng kinh doanh bất động sản khi đóng góp đến 83% tổng doanh thu, đạt 3.171 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, mảng kinh doanh ô tô và dịch vụ cho thuê bất động sản cũng tăng trưởng so với cùng kỳ, lần lượt đạt 440 và 194 tỷ đồng.
Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy được thành lập năm 1995, xuất phát điểm là đơn vị chuyên kinh doanh trong lĩnh vực lắp ráp, nhập khẩu ô tô đầu kéo tại Hải Phòng. Từ năm 2016, doanh nghiệp đã xoay trục mạnh sang lĩnh vực bất động sản khi liên tiếp mở rộng quỹ đất với quy mô gần 150 ha, tập trung tại huyện Thủy Nguyên, bao gồm các dự án như Khu đô thị Đỗ Mười, Hoàng Huy Green River, Hoàng Huy New City.
Không chỉ TCH, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng là mã bất động sản đang phục hồi vượt trội trên thị trường.
Giữa tháng 4/2024, cổ phiếu QCG có nhịp tăng giá mạnh, trong 5 phiên tăng hơn 32% (dù 1 tháng trước đó đã tăng 45%). Thời điểm cổ phiếu này tăng giá cũng là thời điểm có thông tin từ Tòa án buộc Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan là hơn 2.800 tỷ đồng. Đây là khoản tiền liên quan đến vụ tranh chấp giữa Công ty Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai.
Giá cổ phiếu QCG lại bật tăng bởi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng, việc được trả tiền, nhận lại đất như nguyện vọng có thể giúp Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho bên khác với giá cao hơn giá đã thỏa thuận với Sunny Island.
Dù vậy, sau đà tăng mạnh, cổ phiếu QCG đã bắt đầu chịu áp lực bán tháo với 3 phiên giảm giá liên tiếp (9-10-13/5/2024) với tổng mức giảm hơn 11%. Dù vậy, theo cập nhật mới nhất, chốt phiên ngày 14/5, cổ phiếu QCG đã tăng trở lại thêm 150 điểm lên 15.400 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ TCH, QCG, một loạt mã cổ phiếu bất động sản khác cũng ghi nhận mức tăng khá ổn kể từ đầu năm như VIC, KDH, VPI, NLG, KSF, TCH, QCG, NTL, TIG, NBB, CKG… Còn cổ phiếu KDH nằm trong top được khối ngoại mua ròng mạnh trong 3 phiên liên tiếp gần nhất.
Đánh giá thị trường bất động sản nói chung, đa phần giới phân tích đều kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay.
Theo Công ty Chứng khoán MBS, trong quý 1/2024, 3 dự thảo luật bất động sản quan trọng (Nhà ở, Đất đai, Kinh doanh Bất động sản) đã được thông qua tuy nhiên thời điểm áp dụng luật có thể phải đến 1/1/2025. Trong quý này, các doanh nghiệp hưởng lợi chủ yếu sẽ vẫn là các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch, dự án đủ điều kiện mở bán, phục vụ nhu cầu ở thực.
MBS cho rằng, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp bất động sản trong quý 1/2024 có thể chưa ghi nhận sự phục hồi do không còn nhiều dự án để ghi nhận. Tuy nhiên, rủi ro thanh khoản đã giảm bớt do doanh nghiệp đã chủ động mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ, tổng nợ vay/vốn chủ sở hữu cuối 2023 ở mức 0,46 lần, thấp nhất trong giai đoạn 2009-2023.
-
DIC Corp muốn chào bán 200 triệu cổ phiếu, giá chỉ 15.000 đồng
Ngày 10/5, DIC Corp thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1.000:327,94, tương ứng chào bán thêm 200 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, huy động 3.000 tỷ đồng và dự kiến triển khai từ quý II đến quý IV/2024.
-
"Chê" PwC không đáp ứng yêu cầu, Novaland “chia tay” sau 9 năm hợp tác
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) công bố thông tin về việc thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024.
-
Vì sao Vinhomes tách công ty khu công nghiệp vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng thành 3 đơn vị?
Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán VHM) đã công bố việc thành lập thêm hai công ty con mới trên cơ sở tách ra Công ty CP Đầu tư Khu Công Nghiệp Vinhomes. Việc này nhằm giúp Vinhomes tổ chức lại các công ty con....
-
Ông Nguyễn Quốc Cường cho Quốc Cường Gia Lai vay 30 tỷ đồng
Trong quý 3/2024, ông Nguyễn Quốc Cường (thường được gọi là Cường “đô la”) đã cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai mượn 30 tỷ đồng.