Một góc dự án Formosa Hà Tĩnh
Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hiện nay là 10,5 tỷ USD (giai đoạn 1). Dự án có quy mô 3.000ha, trong đó 2.000ha đất và 1.000ha mặt nước, thời gian thực hiện dự án là 70 năm, bắt đầu tính từ 2008, hiện dự án đang trong giai đoàn hoàn thành để đi vào sản xuất kinh doanh.
Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, sau khi giai đoạn 1 của dự án hoạt động hiệu quả, Formosa sẽ cân nhắc mở rộng giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư lên tới gần 26 tỷ USD. Trong đó dự án sẽ mở rộng từ 2 lò cao lên 6 lò cao, công suất sản xuất thép từ 7,5 triệu tấn lên gần 20 triệu tấn/năm. Đồng thời, dự án sẽ xây dựng thêm nhà máy lọc hóa dầu.
Điều đáng nói, nếu kế hoạch mở rộng giai đoạn 2 của Formosa được triển khai thì Formosa sẽ phải thuê thêm diện tích đất để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu. Như vậy câu hỏi đặt ra là với diện tích mở rộng giai đoạn 2 (nếu có) của Formosa, thì Hà Tĩnh sẽ cho thuê đất 50 năm hay 70 năm?
Công tác bảo vệ môi trường cần được giám sát chặt chẽ hơn Ảnh: internet
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết:
Việc mở rộng giai đoạn 2 của Formosa đã có thống nhất về chủ trương chung, các thủ tục cụ thể thì chưa tiến hành. Tuy nhiên, thời gian tiến hành việc đó như thế nào là cả một câu chuyện lớn, nhất là sau sự cố vừa qua thì phải tính đến nhiều việc.
Thứ nhất, phải làm rõ khả năng quản lý môi trường, mức độ chịu đựng của môi trường xung quanh đối với công suất hiện tại thế nào, sau đó mới tính đến công suất mở rộng, môi trường xung quanh có chịu được không.
Về chuyện Hà Tĩnh sẽ cho thuê đất 50 hay 70 năm với diện tích lọc hóa dầu (dự kiến triển khai giai đoạn 2 - PV), ông Thắng cho biết: “Cái này liên quan đến đàm phán của hai bên, chứ Hà Tĩnh giờ không thể khẳng định trả lời như thế nào cả”.
Trước đó, Phó Chủ tịch Dương Tất Thắng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận về sự cố môi trường trong thời gian qua: “Đó là một bài học rất lớn về thu hút đầu tư, quản lý các dự án đầu tư. Chúng ta đã trả một cái giá không tính toán được liên quan đến vấn đề môi trường môi sinh, dư chấn tâm lý của người dân, gây thiệt hại cả tinh thần, vật chất. Trách nhiệm của cả trung ương và địa phương đối với hoạt động quản lý, giám sát môi trường là rất lớn. Hà Tĩnh sẽ tập trung hết nguồn lực để khắc phục sự cố, đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát chặt chẽ không chỉ dự án Formosa mà các dự án khác trên địa bàn”.