Câu chuyện ngập úng của Hà Nội bởi thế lại được xới lên. Theo các chuyên gia, đối với khu vực phía Tây TP (từ Vành đai 3 trở ra), những sáng chế giải quyết cục bộ không có tác dụng, vì bài toán úng ngập ở đây đặt ra cho cả hệ thống tiêu thoát một vùng.
Trong những năm gần đây, khi tình trạng úng ngập kéo dài trong nội đô đã cơ bản được giải quyết, cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ thì tình trạng cứ mưa là ngập tại các địa bàn phía Tây TP - từ vành đai 3 trở ra, đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Cứ mưa là ngập
Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, vào mùa mưa khoảng tháng 6 - 9, khu vực từ Vành đai 3 trở ra, nhất là quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, nhiều tuyến đường và khu đô thị (KĐT) mới cứ mưa to từ vài giờ là bị ngập. Trong đó, phải kể đến các KĐT: Geleximco, Nam An Khánh, Dương Nội, Văn Phú, Văn Quán…
Điều đáng nói, tình trạng tiêu thoát nước ngập khu vực này rất chậm, thậm chí có nơi đến cả tuần, nếu mưa to kéo dài đến 2 ngày liên tục. Ví như chung cư HH2 - The Spark Dương Nội (Hà Đông). Người dân ở đây đã từng phải nghỉ học, nghỉ làm vì không thể đi lại được, thậm chí chủ đầu tư còn phải dùng xe tải, bắc cầu tạm để “giải cứu”. “Trước mua nhà tưởng nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, cạnh ngay hồ điều hòa và có cảnh đẹp, đường Lê Văn Lương kéo dài, ai ngờ phải chịu cảnh cứ mưa là ngập" - một cư dân ở đây ngậm ngùi chia sẻ.
Khu đô thị An Khánh - Lê Trọng Tấn ngập nặng sau cơn mưa cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh: Công Hùng
Không khá hơn gì Spark Dương Nội, KĐT Geleximco cũng được coi là “điểm đen” úng ngập. Người dân ở đây còn chưa kịp hoàn hồn sau trận mưa ngày 13/7 thì những trận mưa lớn liên tiếp do ảnh hưởng của bão số 2 khiến cả khu tiếp tục ngập úng. “Một KĐT hiện đại với những biệt thự triệu đô mà cứ mưa to lại lo ngập. Ngoại bất xuất, nội bất nhập thì không hiểu thế nào?” - bà Hải Hương, cư dân trong khu thắc mắc.
Thực ra, không chỉ ở các KĐT mới phía ngoài Vành đai 3 trở ra, mà ngay khu vực nội thành giáp ranh cũng đã rơi vào tình cảnh bị nước vây quanh. Đợt mưa to hồi tháng 7 vừa qua, tòa chung cư cao cấp Keangnam cũng trở thành “ốc đảo”, khiến cư dân phải lội nước bì bõm đi làm bởi bốn bề là nước.
Các tuyến đường xung quanh tòa nhà 72 tầng này như Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ cũng trở thành những dòng sông, người dân phải thuê xe ba gác vận chuyển người ra vào khu chung cư, chở đồ đạc, thức ăn, thậm chí là chuyển rác ra ngoài. Chính vì vậy, khi nói đến mưa ngập ở Hà Nội vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người dân. Trong cơn lốc tốc độ đô thị hóa, những tòa nhà cao tầng, KĐT mới đã góp phần kiến tạo nên một bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh cho Hà Nội thì nơi đây cũng đang bị xem là “tội đồ” dẫn tới tình trạng “cứ mưa là ngập” của Thủ đô.
Chủ đầu tư chỉ lo xây nhà để bán?
Theo các chuyên gia, trong các yếu tố hạ tầng thiết yếu của một dự án nhà ở thì cấp thoát nước quan trọng hàng đầu. Hầu hết khu chung cư, KĐT mới đều nằm ở phía Tây, Tây Nam của Hà Nội, trước đây vốn là các hồ ao, ruộng lúa, không có cốt nền chuẩn, cũng không có hệ thống thoát nước hiện đại mà chủ yếu là hệ thống tiêu thoát nước thủy lợi cũ, thông qua các kênh mương. Thế nhưng, khi xây dựng dự án bất động sản, các chủ đầu tư dường như chỉ quan tâm xây dựng nhà để bán mà lơ là việc xây dựng kết cấu hạ tầng.
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cũng đã từng thẳng thắn phát biểu trong hội nghị giao ban báo chí của Thành ủy đầu mùa mưa năm nay: Theo quy định của Nghị định 80/2014/NĐ-CP, nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung xả vào hệ thống công trình thủy lợi phải đảm bảo các quy chuẩn xả vào hệ thống công trình thủy lợi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
Tuy nhiên, sau khi Công ty đi kiểm tra các KĐT trên địa bàn quận Hà Đông đã phát hiện một số KĐT chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của TP, trong khi đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. “Khi phê duyệt dự án, cơ quan có thẩm quyền đã xem xét các phương án đấu nối hạ tầng. Để được phê duyệt thì phải có thỏa thuận đấu nối cấp thoát nước, điện, viễn thông. Song, thực tế chủ đầu tư đã không thực hiện đúng quy định” – ông Hùng cho biết.
Việc không tuân thủ đúng quy định của các chủ đầu tư tại một số KĐT, chung cư về hệ thống thoát nước đã dẫn tới việc ngập úng, tiêu thoát chậm khi trời mưa to, kéo dài. Thế nhưng, theo KTS Vũ Hoài Đức (Viện Quy hoạch và Xây dựng Hà Nội), đây chỉ là tác nhân, còn nguyên nhân chính là do phát triển đô thị không đồng bộ, dẫn đến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bị phân tán, dàn trải.
KTS Vũ Hoài Đức cho rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt cần lập Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt, song chưa triển khai được đầy đủ nên quá trình phát triển còn manh mún, cục bộ trong từng khu vực. Vì vậy, ngoài khu vực nội đô Hà Nội đã có quy hoạch và dự án thoát nước do Chính phủ Nhật Bản giúp đỡ, nên tình trạng ngập lụt có giảm nhiều. Nhưng các KĐT mới, đặc biệt thuộc lưu vực thoát nước của sông Nhuệ, sông Đáy dẫu đã được xây dựng hạ tầng đồng bộ trong nội bộ KĐT, nhưng hệ thống mương, cống và các trạm bơm đầu mối thoát nước vẫn chưa được đầu tư xây dựng, và dựa hoàn toàn vào hệ thống thủy nông thì úng ngập xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Ví như, hai bên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), KĐT Nam An Khánh (Hoài Đức) trước kia là đất ruộng, từ ngày có khu dân cư, khu vực này cứ mưa lớn là chìm trong nước. “Từ ngày có đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn và đường Tố Hữu, hàng chục KĐT lớn được xây dựng, trong khi hệ thống thoát nước khu vực phía Tây Hà Nội cơ bản dựa vào hệ thống kênh tiêu nông nghiệp, chảy ra sông Nhuệ, sông Ðáy, vì vậy không thể đáp ứng nổi. Lỗi chủ yếu không phải do chủ đầu tư, mà là do hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống thoát nước đô thị và hệ thống thoát nước khu vực này hay còn gọi là thoát nước nông nghiệp chưa tương xứng để kết nối với nhau; hệ thống thoát nước nông nghiệp không còn phù hợp với tốc độ đô thị hóa” - KTS Vũ Hoài Đức phân tích.
Nguyên nhân quan trọng nhất gây úng ngập khu vực phía Tây là do hiện nay chưa có quy chuẩn chung về cốt nền xây dựng cho cả khu vực và cũng chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát về việc này. Chính việc thả nổi dẫn đến các chủ đầu tư mạnh ai nấy làm, không chú ý đến cốt mặt bằng tổng thể. Nhiều chủ đầu tư chỉ tập trung tôn cao nền của KĐT mình mà không chú ý đến cốt của những con đường xung quanh hay KĐT gần đấy, dẫn đến tình trạng “sông” bao quanh KĐT khi mưa lớn. Khu Keangnam là một ví dụ điển hình. Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam Trần Quang Hưng |