Mới bước vào mùa xây dựng, nhiều chủ kinh doanh vật liệu xây dựng tại Hà Nội không dám báo giá với khách dù chỉ trước hai ngày lấy hàng vì giá cả mỗi ngày mỗi khác.

Giá vật liệu xây dựng leo thang mỗi ngày khiến chủ thầu xây dựng, người xây nhà đều lo lắng. Ảnh: Xuân Ngọc

Tại một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Võ Thị Sáu, khi nghe khách nói muốn lấy ít xi măng, cát, sỏi để một tuần nữa khởi công xây nhà, chị Tâm, chủ hiệu cười xòa cho hay, trước đó một ngày mới ra hỏi giá. “Em có báo giá cho chị bây giờ cũng chỉ để tham khảo, giá mỗi ngày mỗi lên. Giờ nói giá một kiểu, tuần sau giá lại khác, mang tiếng lắm”, chị Tâm nói.

Nhiều cửa hàng khác cũng không báo giá trước với khách dù chỉ hai ngày nữa là tới lễ động thổ. Chị Hạnh (Lò Đúc, Hà Nội) cho hay đã đi hỏi nhiều cửa hàng để cân đối lượng tiền cần chuẩn bị nhưng đều nhận được câu trả lời, giá hôm nay khác ngày mai nên lúc nào lấy hàng thì biết giá lúc đó thôi.

Chị Thủy, chủ một cửa hàng kim khí trên đường Đê La Thành cho biết so với tháng trước, giá các loại sắt thép đều tăng từ 20-30%. Như loại sắt phi 6, tháng trước chị nhập là 15.000 đồng một cân, nay đã tăng lên 18.000 đồng.


Giá các loại gạch xây dựng đều tăng khoảng 20%. Ảnh: Xuân Ngọc

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, giá các loại vật liệu xây dựng đều đang ở ngưỡng cao và có chiều hướng tăng. Cụ thể, sắt phi 10 đến phi 25 có giá từ 130.000 đồng đến gần 800.000 đồng tùy đường kính, độ dài và dày; xi măng từ 71.000-75.000 đồng mỗi bao 50 kg tùy theo số lượng lấy nhiều hay ít; giá cát đen là 40.000 đồng; giá đá là 70.000 đồng cho mỗi xe cải tiến; gạch 2 lỗ có giá 125.00 đồng cho 100 viên; gạch lát nền từ 80.000-190.000 đồng mỗi mét vuông tùy loại gạch Prime, Granite hay Eurotile...

Nguyên nhân được các chủ kinh doanh đưa ra chủ yếu là do giá xăng, dầu tăng mạnh. Chủ cửa hàng gạch trên đường Thanh Nhàn giải thích, nung gạch cũng từ dầu, từ than. Than tăng, xăng dầu đều tăng nên đương nhiên giá sản phẩm lên theo. Chị này chia sẻ, ngày hôm qua, chị nhập gạch Granite giá 110.000 đồng mỗi mét vuông, bán ra cho khách là 120.000 đồng nhưng hôm nay nhập hàng đã 115.000 đồng.

“Thành ra tiền lãi với tiền bỏ ra xoay vòng hàng chẳng còn chênh là bao. Thêm nữa, tiền vận chuyển những mặt hàng cồng kềnh này cũng không phải nhỏ nên mỗi thứ thêm một chút cũng khiến giá bị đội lên khá nhiều”, chị ngán ngẩm nói.


Giá sàn gỗ cũng tăng 20.000 đồng mỗi mét vuông từ 1/4. Ảnh: Xuân Ngọc

Đây cũng là lý do chính khiến các chủ thầu xây dựng đều sợ và tránh báo giá với khách trước thời điểm thi công dù chỉ một vài ngày. Anh Sơn (Minh Khai, Hà Nội), chủ thầu xây dựng tâm sự mỗi khi khách hỏi giá rổ thế nào, dù tính toán chi li, anh cũng rất khó trả lời. “Nếu mình báo giá hiện tại, đến lúc khởi công, giá lên, chủ nhà lại thắc mắc. Nếu mình báo cao lên vài giá cho người ta chuẩn bị, chủ nhà đi khảo giá thị trường lại cho là mình ăn chặn nên khó lắm”, anh Sơn nói.

Nhưng khổ nhất là những người đang và sắp làm nhà. Anh Hải (Đại La, Hà Nội) đang chuẩn bị hoàn tất xây dựng căn nhà, cho hay, so với dự tính ban đầu, đến nay đã phụ trội thêm 150 triệu đồng vì giá vật liệu lên mỗi ngày. “Đơn cử như so với tháng trước, giá sàn gỗ đã lên 20.000 mỗi mét vuông. Nhà mình 70 mét vuông là đã phụ trội lên gần 1,5 triệu. Rồi cát, sỏi, xi măng, sắt thép, sơn, cái gì cũng lên nhưng đâm lao thì phải theo lao chứ biết sao”, anh tâm sự.


Tuy giá cao nhưng các loại vật liệu xây dựng vẫn rất đắt khách. Ảnh: Xuân Ngọc

Tuy giá lên cao mỗi ngày nhưng thông tin từ nhiều chủ kinh doanh vật liệu xây dựng, hàng vẫn bán khá chạy, thậm chí còn không đủ để bán. Chị Tâm giải thích, đã vào mùa xây dựng, nếu chần chừ không thi công thì sau này giá còn đắt nữa.

Theo chị, với những người tích tiền mặt đem ra xây nhà thì nhìn giá cả sẽ thấy kinh khủng. Nhưng với những người tích vàng, bán đi xây nhà thì so với năm ngoái, giá chỉ ở mức tương đương. “Năm ngoái, nhà chị bán vàng là 2,7 triệu một chỉ để xây. Năm nay, giá vật liệu lên thì vàng đã lên ngưỡng 3,7 triệu một chỉ. Nếu như một căn nhà năm ngoái xây 1 tỷ, năm nay đội lên 1,3 tỷ thì với những người tích vàng làm nhà cũng đâu vào đấy thôi”, chị Tâm lý giải.

Cafeland - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland