Diễn biến giá vàng giao sau tại New York trong 1 tháng qua - Nguồn: Kitco.
Vàng đã khép lại một tuần giao dịch với biên độ dao động rộng trên biểu đồ giá, trong vùng từ 1.554-1.620 USD/oz. Chốt tuần, giá vàng dừng ở vùng thấp hơn của biên độ dao động này.
Tại bộ phận COMEX của Sở giao dịch hàng hóa New York, giá vàng giao tháng 4 đóng cửa tuần ở mức 1.572,3 USD/oz, giảm 0,5 USD/oz trong cả tuần.
Sự chia rẽ về quan điểm của giới phân tích thể hiện rõ trong kết quả cuộc thăm dò dự báo giá vàng tuần tới do trang tin kim loại quý Kitco News thực hiện. Trong số 29 ý kiến phản hồi, có 13 ý kiến dự báo giá tăng, 8 nhận định giá sẽ giảm, và 8 cho rằng giá sẽ đi ngang. Tham gia vào cuộc thăm dò hàng tuần này là các nhà tham gia thị trường bao gồm các công ty kinh doanh vàng, ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch hàng hóa giao sau, nhà quản lý quỹ, chuyên gia phân tích kỹ thuật.
Giá vàng đã kết thúc tháng 2 với mức giảm 5%, đánh dấu tháng giảm thứ 5 liên tục, chuỗi thời gian giảm giá dài nhất kể từ năm 1993 - theo số liệu của ngân hàng Deutsche Bank.
Thái độ của thị trường đối với vàng cũng đang tồn tại hai luồng khác biệt. Trong đó, các nhà tham gia thị trường trên thị trường vàng giao sau và thông qua các quỹ tín thác (ETF) đang bán vàng ra, nhưng các nhà giao dịch vàng vật chất, nhất là ở khu vực châu Á, lại đang mua vào.
Dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) của Mỹ cho thấy, mức nắm giữ vàng đầu cơ giá lên đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Còn theo số liệu của các ETF, hoạt động bán ròng vàng đang diễn ra mạnh. Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust trong tuần này đã có đợt xả hàng lớn nhất kể từ ngày thành lập, trong khi các quỹ nhỏ hơn cũng bán ròng.
Các chuyên gia của ngân hàng Barclays cho rằng, với thái độ bi quan của thị trường hiện nay về triển vọng giá vàng, “giá vàng có khả năng hồi phục nhờ hoạt động mua vào để đóng trạng thái bán khống”. Tuy nhiên, trong trường hợp “các dữ liệu kinh tế vĩ mô bất ngờ xấu đi, giá vàng có thể tăng cao hơn dự kiến”.
Còn theo ông Frank Lesh, nhà môi giới hàng hóa giao sau tại công ty FuturePath Trading, đợt bán tháo vàng mạnh nhất có thể đã kết thúc, nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ mua vàng trở lại. Ông Lesh dự báo giá vàng tuần tới sẽ giữ trong vùng biên độ hiện tại.
“Tâm lý của các nhà đầu tư đã chịu tổn thương và chúng tôi không thể kỳ vọng các dòng vốn sẽ sớm trở lại thị trường. Các nhà giao dịch đang bán mỗi khi giá tăng hơn là mua khi giá giảm vì các hợp đồng bán khống vẫn đang được chuộng hơn. Nếu giữ được vùng giá 1.550 USD/oz, thì giá vàng có thể duy trì trong vùng từ 1.550-1.600 USD/oz”, ông Lesh phát biểu.
Trái ngược với quan điểm bi quan đối với vàng trên thị trường giao sau và ETF là nhu cầu mua gia tăng trên thị trường vàng vật chất. Các khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ đã mạnh tay mua vàng khi giá giảm sâu, nhưng các nhà quan sát nhấn mạnh rằng, xu thế này cần phải tiếp tục để giá vàng có thể tìm được một ngưỡng sàn nhất định nào đó. Một số nhà quan sát đặt câu hỏi hoạt động mua vàng vật chất của Ấn Độ liệu có thể duy trì ở mức cao khi mà một số khách hàng từ nước này đang mua vàng chỉ vì phòng ngừa trước khả năng New Dehli tăng thêm thuế đánh vào nhập khẩu vàng.
Những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần tới, bất chấp những thống kê tốt hơn dự báo trong thời gian gần đây. Nguyên nhân dẫn tới sự lo ngại này là các chương trình cắt giảm chi tiêu tự động với tổng trị giá 85 tỷ USD có hiệu lực từ ngày 1/3. Mặc dù việc cắt giảm này sẽ diễn ra từ từ, nhưng ảnh hưởng dài hạn của việc cắt giảm được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ gây tác động bất lợi cho nền kinh tế Mỹ trong năm nay.
Một số nhà phân tích trên thị trường vàng nói rằng, nếu những quan ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế gia tăng, một số nhà đầu tư có thể quay lại mua vàng để phòng ngừa rủi ro. Một phần nguyên nhân khiến giới đầu tư quay lưng lại với vàng ở thời điểm hiện tại chính là sự tăng điểm mạnh của thị trường chứng khoán.
“Việc Washington không thể thống nhất được một chính sách tài khóa có lợi cho tăng trưởng đang đặt ra áp lực cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì, hoặc thậm chí là tăng cường, chương trình nới lỏng định lượng hiện nay và mức lãi suất thấp kỷ lục”, chuyên gia tư vấn kinh tế cao cấp Jeffrey Nichols thuộc quỹ Rosland Capital nhận định.
Dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng nhất được công bố trong tuần tới là báo cáo thất nghiệp tháng 2 đưa ra vào ngày thứ Sáu. Ngoài ra, trong tuần tới, FED sẽ công bố báo cáo kinh tế Beige Book, báo cáo tiền trạm cho cuộc họp chính sách định kỳ của FED trong tháng nay.