Giá vàng đã tăng gần 1% hôm đầu tuần, ngược với xu hướng của giá các hàng hóa khác và cổ phiếu, sau khi số liệu việc làm được công bố tuần trước gây thất vọng mở ra khả năng FED có thêm gói kích thích kinh tế.
Sau kỳ nghỉ lễ, giao dịch vàng trầm lắng hẳn với khối lượng giao dịch khá mỏng. Biên độ dao động giá cũng chỉ trong khoảng hơn 10 USD. Mức giá cao nhất trong ngày được ghi nhận ở mức 1.649,9 USD/oz.
Nguyên nhân giúp giá vàng tăng phiên này là do Trung Quốc công bố mức lạm phát cao hơn mong đợi trong tháng 3, khiến nhu cầu nắm giữ vàng gia tăng. Bên cạnh đó, việc các nhà chế tác nữ trang của Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, từ bỏ cuộc đình công vốn kéo dài trong 3 tuần, cũng khiến gia tăng lượng cầu vàng vật chất.
Ngoài ra, việc các nhà tuyển dụng ở Mỹ tạo nên lượng việc làm ít hơn mong đợi trong tháng 3 khiến giới quan sát để ngỏ khả năng sẽ có thêm gói nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế.
Kết thúc ngày giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.645,4 USD/oz. Còn giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 13,8 USD (0,85%) lên 1.643,9 USD/oz. Khối lượng giao dịch phiên này chỉ bằng 40% mức trung bình 30 ngày trước trong bối cảnh hầu hết các thị trường châu Âu vẫn nghỉ giao dịch nhân ngày lễ.
Tuần trước, giá vàng đã giảm hơn 2%. Còn nếu tính từ cuối tháng 2, giá kim loại quý này đã rớt 8%.
Trong phiên 9/4, Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust không giao dịch, vẫn nắm giữ 1.286,62 tấn vàng, tương đương 41.366.147,03 ounces, trị giá 67,432 tỷ USD.
Ngược với diễn biến giá vàng, giá dầu thô phiên này suy giảm trước sự tăng trưởng chậm trong thị trường việc làm ở Mỹ và cuộc hội đàm hạt nhân Iran làm giảm lo ngại về nguồn cung.
Kết thúc ngày giao dịch, tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 73 cent xuống 122,7 USD/thùng, dù trong phiên có lúc xuống còn 121,02 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giảm 85 cent xuống 102,46 USD/thùng, sau khi xuống thấp hơn đường trung bình giá 100 ngày tại 101,61 USD/thùng.