Thời điểm này, nhà đầu tư nên thận trọng với vàng
Vàng trong nước và thế giới diễn biến trái chiều
Hôm nay giá vàng SJC có xu hướng đi xuống, trong khi giá vàng thế giới biến động trong phạm vi hẹp từ 1.321 – 1.323 USD/oz.
Đầu giờ sáng nay, giá vàng SJC mua vào – bán ra là 37,750 – 37,900 triệu đồng/lượng, đến 9h30 giảm xuống mức 37,650 – 37,800 triệu đồng/lượng.
Lúc 11h00, giá vàng chỉ còn 37,640 – 37,760 triệu đồng/lượng. Đến 15h chiều, giá vàng tiếp tục sụt nhẹ còn 37,630 – 37,730 đồng/lượng.
Như vậy, so với đầu giờ sáng, giá vàng đã mất 170.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước ngày giảm không theo xu thế của giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới đầu phiên giao dịch( 7h30 ) ở mức 1.321,47 – 1.321,97 USD/oz, Đến 11h00 tăng lên 1.322,73 – 1.323,23 USD/oz. Đầu phiên giao dịch buổi chiều (13h00) giảm xuống 1.320,79– 1.321,29 USD/oz; song nhích nhẹ lên 1.322,06 USD/oz vào lúc 15h. Như vậy, giá vàng thế giới bán ra chiều nay đã tăng 0,9 USD/oz so với giá vàng bán ra buổi sáng (7h30 ).
Sáng mai (15/8), NHNN tiếp tục tổ chức bán đấu thầu vàng miếng phiên thứ 53, chào bán là 26.000 lượng vàng SJC. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 37,56 triệu đồng/lượng, tương đương giá mua vàng ngoài thị trường của các doanh nghiệp trong chiều nay.
Tính đến nay, NHNN đã tổ chức bán đấu thầu 1.504.000 lượng và khối lượng trúng thầu là 1.400.600 lượng qua 52 phiên.
Chưa có cơ sở dự báo diễn biến giá vàng
Theo TienPhong Bank, giá vàng đang diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào quyền lợi và ý đồ của Mỹ và các nước lớn, hiện nay không có cơ sở để dự đoán chính xác giá vàng.
Giá vàng hiện giảm nhẹ là do các thông tin về kinh tế Mỹ được cải thiện: Mức tiêu thụ hàng hóa bán lẻ tháng 7 tiếp tục tăng 0,2%, mức tiêu thụ hàng hóa bán lẻ đã tăng liên tiếp trong 4 tháng, đặc biệt mức tiêu thụ hàng hóa bán lẻ trung tâm tháng 7 tăng 0,5%, tương đương 343,68 tỷ USD, cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 6.
Ngoài ra, giá vàng giảm còn do tỷ suất lợi nhuận trái phiếu của Mỹ tăng và Ấn Độ quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng lên mức kỷ lục 10% để hạn chế nhập khẩu vàng gây thâm hụt cán cân giao dịch vãng lai.
Tuy nhiên các chuyên gia về vàng cho rằng vẫn còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho giá vàng tăng lên như nhu cầu vàng của châu Á cao, nguồn cung vàng khó khăn, chỉ cần giá vàng xuống dưới mức 1.300 USD/oz, nhiều nhà đầu tư sẽ mua vàng để bổ xung cho các hợp đồng bán khống trước đó.
Trong dài hạn, giá vàng tăng hay giảm phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Mỹ. Nếu Mỹ cần giữ cho đồng USD mạnh để không mất vị trí số 1, là đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế.
Nếu Mỹ cần tác động làm cho giá vàng giảm xuống để tranh thủ mua vàng bổ xung cho dự trữ, Mỹ buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh chính sách nới lỏng định lượng ( QE ) bắt đầu từ tháng 9 như 3 quan chức lãnh đạo của FED gần đây công bố. Tuy nhiên nếu FED đột ngột dừng việc mua trái phiếu sẽ gây thiệt hại với nền kinh tế ở mức độ nhất định, cho nên ủy ban chính sách tiền tệ của FED sẽ phải làm việc vất vả để phân tích và giải trình kỹ lưỡng vấn đề này.
Trước xu hướng không rõ ràng của giá vàng, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng khi mua vàng để tránh thiệt hại.