Trong hai tháng đầu năm, giá thuê nhà tại các nước châu Âu vẫn tiếp tục tăng từ năm 2019. Tuy nhiên, sang tháng 3, giá thuê nhà bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống.
Ở các thành phố như London và Amsterdam, những nơi nổi tiếng với giá cho thuê đắt đỏ, đã chứng kiến mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015, lần lượt là 0,5% và 0,1%. Trong khi đó, thành phố Barcelona chứng kiến mức giá thuê nhà lần đầu tiên giảm kể từ năm 2013.
Top 3 thành phố có giá thuê tăng
Trong quý 1/2020, Vienna là thành phố tại châu Âu chứng kiến mức tăng lớn nhất với con số cụ thể là 11,5%, nâng mức giá thuê trung bình mỗi tháng lên 1.016 euro.
Lý do cho sự gia tăng này phần lớn đến từ việc thay đổi các chính sách cho thuê ngắn hạn của thành phố. Gần đây, chính quyền thành phố đã ban hành một luật phân vùng cho phân khúc thuê ngắn hạn. Luật này cấm các chủ nhà tại một số vùng cho thuê ngắn hạn.
Tiếp theo, thành phố Madrid của Tây Ban Nha là nơi chứng kiến sự gia tăng cao thứ hai về giá thuê nhà hàng năm. Giá căn hộ tăng 4,7% lên 1.150 euro/tháng. Do sự bất ổn về chính trị tại Catalonia khiến Madrid nghiễm nhiên được coi là lựa chọn tối ưu của những người thuê nhà tại Tây Ban Nha.
Đứng ở vị trí thứ ba là thành phố Berlin, nơi giá cho thuê căn hộ đã tăng 4,3% lên 1.144 euro/tháng và tăng chỉ 0,1% so với quý cuối cùng của năm 2019. Vào tháng 2-2020, Mietendeckel (đạo luật về giá trần cho thuê) đã được chính phủ Đức kích hoạt, khiến hàng loạt chủ nhà giảm giá cho thuê.
Yếu tố chính trị
Việc giá cho thuê nhà ở tại châu Âu giảm xuống không thể được quy cho sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trước đó, hầu hết các thành phố lớn tại châu Âu đều chứng kiến mức giá thuê nhà tăng từ cuối năm 2019.
Ở Tây Ban Nha, chính trị cũng là một yếu tố tác động đến giá thuê nhà trung bình trên cả nước. Barcelona là nơi chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất do những bất ổn liên quan đến chính trị tại Catalonia.
Hiện tại, với sự ổn định sẵn có, nhiều người đã quyết định chọn Madrid là nơi thích hợp để sinh sống và làm việc. Điều này đã phá vỡ chuỗi tăng trưởng trong giá thuê nhà tại Barcelona trong suốt năm 2019.
Ý, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề đầu tiên vì đại dịch Covid-19 tại châu Âu, lại cho thấy sự ổn định trong quý 1 do phần lớn các hợp đồng thuê nhà đã được hoàn thành vào cuối năm 2019. Mặc dù vậy, giá cho thuê có thể giảm xuống trong quý 2 năm nay do những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra.
Đối với các căn hộ ở London, giá cho thuê đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Trước đó, đã có những dấu hiệu của sự chững lại trong năm 2019. Bất chấp việc ghi nhận mức thấp kỷ lục của giá thuê nhà, London vẫn là một trong những thành phố đắt đỏ bậc nhất châu Âu.
Tại Hà Lan, thủ đô Amsterdam vẫn là nơi chứng kiến mức giá thuê nhà cao nhất. Tuy nhiên, việc Hà Lan đang hạn chế đi lại giữa các quốc gia (Amsterdamm là thành phố với lực lượng lao động quốc tế lớn) có thể khiến giá thuê nhà tăng rất thấp trong thời gian tới.
Chuyển đổi từ ngắn hạn sang trung và dài hạn
Việc ngành du lịch tại hầu hết các quốc gia tại châu Âu tạm thời ngưng hoạt động khiến một số chủ đầu tư quyết định chuyển đổi các tài sản cho thuê ngắn hạn sang trung và dài hạn.
Theo HousingAnywhere, số lượng nguồn cung cho những tài sản cho thuê trung và dài hạn đã tăng lên 170%. Sự gia tăng này có thể tác động đến giá cho thuê.
“Khi việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, nhiều chủ nhà đã giảm giá cho thuê tài sản của mình”, Djordy Seelmann, giám đốc điều hành của HousingAnywhere cho biết.
“Xu hướng hiện nay là hầu hết mọi người đều ưu tiên sang các tài sản trung và dài hạn. Bên cạnh đó, đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng là một xu hướng khác mà chúng ta đang thấy hiện nay. Câu hỏi được đặt ra là xu hướng này sẽ kéo dài trong bao lâu sau khi virus corona được kiểm soát và các dịch vụ du lịch hoạt động trở lại”, ông Seelmann cho biết.
Những ảnh hưởng lâu dài
Năm 2020 chứng kiến ngành du lịch gặp khó khăn do virus corona, thị trường cho thuê trung và dài hạn có thể hưởng lợi nhiều từ điều đó. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều dự đoán sẽ có những dấu hiệu cho sự phục hồi tron quý 3 năm nay.
“Chính phủ các nước nên tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường bất động sản trong nước. Nếu chúng ta muốn có đủ nhà ở cho nhu cầu ở cả hiện tại và tương lai, chính phủ cần đẩy mạnh các biện pháp xây dựng”, Seelmann lưu ý.
Các vấn đề chính trị có thể sẽ tiếp tục làm giảm hiệu quả của ngành bất động sản trong một thời gian tới. “Bây giờ là thời điểm thích hợp để các chính trị gia, chủ nhà, các nhà đầu tư bất động sản và những người đi thuê có những cuộc đối thoại và hợp tác”, ông Seelmann nhận định.