03/05/2022 3:48 PM
Do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào nên trong quý 1/2022, các loại sắt thép đã có sự tăng giá. Hiện nay, giá thép thế giới đã giảm do giá nguyên vật liệu đã hạ nhiệt.

Hiện nay, giá các mặt hàng kim loại đã giảm đáng kể so với thời điểm trước đây. Đặc biệt, giá quặng sắt - nguyên liệu chính cho sản xuất thép đã giảm 2,4% về 150 USD/tấn và cũng là tuần thứ năm liên tiếp giá biến động trong khoảng 140-160 USD/tấn.

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá các nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm so với tháng 3/2022. Cụ thể, giá quặng sắt loại 62% Fe ngày 8/4 hiện đang giao dịch ở mức 155 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 1,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3. Theo đó, mức giá này giảm khoảng 55-57 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (xấp xỉ 210 - 212 USD/tấn).

Giá nguyên liệu than mỡ luyện cốc được ghi nhận giảm mạnh. Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 8/4 hiện đang giao dịch ở mức 359,5 USD/tấn FOB.

Tương tự, giá cuộn cán nóng (HRC) giao dịch ngày 8/4 tại CFR cảng Đông Á ở mức 878 USD/tấn, giảm khoảng 12 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3.

Giá thép thế giới đã giảm do giá nguyên vật liệu đã hạ nhiệt, tuy nhiên giá thép trong nước vẫn tiếp tục đứng im

Hiện nay, giá thép trên thế giới giảm là do giá nguyên liệu đầu vào đã hạ nhiệt trong thời gian qua. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sau khi tăng liên tiếp 7 lần với tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, giá thép trong nước vẫn chưa một lần giảm dù biến động đầu vào giảm đáng kể.

Theo đó, giá thép vẫn neo mức đỉnh khoảng 18,6-20,6 triệu đồng/tấn (phá mức đỉnh 18 triệu đồng năm 2021), tăng gần gấp đôi so với thời điểm ổn định (ngưỡng 10-13 triệu đồng/tấn).

Việc giá thép tăng cao đã làm ảnh hưởng đến các nhà thầu, khiến nhiều dự án xây dựng bị chậm tiến độ, tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản.

Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục neo cao trong thời gian qua. Nguồn: Steelonline

Được biết, giá vật liệu xây dựng là một trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản. Trong đó riêng chi phí sắt thép chiếm 15-20%, còn lại là chi phí đất, xây dựng, quản lý và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Do đó, để chặn đà tăng giá vật liệu xây dựng, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký công văn số 2360, yêu cầu các bộ ngành và địa phương vào cuộc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.

Trong báo cáo về ngành thép, BSC dự báo giá thép bình quân năm 2022 sẽ điều chỉnh giảm theo đà giảm của giá quặng sắt, nguyên liệu vốn chiếm 45-50% chi phí sản xuất phôi thép.

Thời gian qua, giá một số vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng đều tục tăng mạnh. Nguyên nhân là do giá nhiên liệu, đặc biệt là xăng dầu đang tăng cao do xung đột giữa Nga - Ukraina dẫn đến nguồn cung khan hiếm.

Giải thích về diễn biến này, VSA cho biết, các nhà máy điều chỉnh tăng giá bán thép thành phẩm để bù lại một phần giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất.

  • Giá thép tiếp tục tăng mạnh

    Giá thép tiếp tục tăng mạnh

    Từ ngày 18/2, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép tiếp tục điều chỉnh giá bán một số sản phẩm thép. Lý do được các doanh nghiệp này đưa ra là nhằm đảm bảo ổn định việc sản xuất kinh doanh do biến động của thị trường phôi thép, thép phế và các nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.