26/07/2011 7:29 AM
Ngành thép đang đứng trước một thực tế vô cùng khó khăn. 3 tháng qua, sức tiêu thụ thép trên thị trường đã giảm mạnh. Trong khi đó, nguồn cung thép vẫn tiếp tục dư thừa, đó là chưa kể một số nhà máy thép mới vẫn tiếp tục khởi công. Tình trạng dư thừa thép trong tương lai gần vẫn chưa thể giải quyết được bằng cách nào.

Giá thép còn giảm?

Cắt giảm công suất tới 50%

Công suất tiêu thụ giảm đã khiến các nhà máy thép phải hoạt động cầm chừng. Đáng chú ý, không chỉ có các nhà máy sản xuất thép nhỏ, có công nghệ lạc hậu phải cắt giảm tới 30 - 40% công suất mà ngay cả những DN lớn cũng phải cắt giảm tới 50% công suất. Thậm chí, có DN phải ngừng hẳn sản xuất. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản lượng thép xây dựng trong tháng 6 chỉ đạt 330 nghìn tấn, giảm 24,6% so với tháng 5. Tương tự, tiêu thụ thép trong tháng 6 cũng chỉ đạt 270 nghìn tấn, giảm 30,7% so với tháng trước đó. Hiện lượng thép thành phẩm tồn kho là 430 nghìn tấn, tăng 6,9% so với tháng 5; phôi chuẩn bị cho sản xuất tháng 7 là 590 nghìn tấn. Đây là mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay. Theo tính toán của VSA, năm 2011 tổng công suất cán thép xây dựng trong nước khoảng 9 triệu tấn, nhưng mức tiêu thụ chỉ dao động trên 6 triệu tấn. Lý giải về nguyên nhân trên, Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường cho biết: Sản phẩm thép được sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho xây dựng, tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, trong đó có chính sách cắt giảm đầu tư công đã khiến lượng thép tiêu thụ giảm đi rõ rệt. Thị trường BĐS thời gian này đóng băng cũng góp phần đẩy sản phẩm thép vào tình trạng ế ẩm. Thêm vào đó, các chính sách thắt chặt tín dụng và dự án đầu tư sẽ là một rào cản khiến sức tiêu thụ thép sẽ còn chậm hơn nữa.

Giá thép sẽ còn giảm?

Phôi và thép phế trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu chững lại, với giá 670 - 690 USD/tấn. Thép phế cũng dao động từ 470 - 490 USD/tấn

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường BĐS chưa thể khởi sắc trong một sớm một chiều, các chuyên gia nhận định, giá thép rất có thể sẽ còn giảm sâu hơn nữa. Thậm chí, vào thời điểm này, các DN còn đang phải cạnh tranh gay gắt với nhau bằng các chương trình như tăng chiết khấu bán hàng, áp dụng chế độ hỗ trợ vận chuyển đến tận chân công trình, trợ giá đối với những công trình lớn nhằm hút khách. Thị trường thép trong nước trước nay vẫn hay xảy ra tình trạng bị các đại lý, thương nhân thao túng. Họ thường găm hàng những khi thị trường sôi động nhằm đẩy giá thép lên cao. Tuy nhiên hiện nay, các đại lý phân phối thép đang gặp không ít khó khăn do chính sách thắt chặt tín dụng cũng như lãi suất cao của ngân hàng. Do vậy, để có tiền trả nợ, các nhà phân phối thép buộc phải giảm giá bán ra so với giá bán của các nhà sản xuất bình quân khoảng 1,2 triệu đồng/tấn đối với thị trường phía Bắc và 850 nghìn đồng/tấn đối với thị trường phía Nam. Nếu mức thấp của giá thép còn kéo dài trong vài tháng tới thì nhiều DN phải đẩy mạnh bán hàng tồn kho để trả nợ ngân hàng và giá thép trong nước giảm là điều khó tránh.

Giá thép của các nhà máy hiện bán ra phổ biến ở mức 15,6 - 16,8 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển). Giá bán lẻ dao động từ 18 - 18,7 triệu đồng/tấn. Các nhà phân phối lẻ đang giảm khoảng 100 - 200 nghìn đồng/tấn để đẩy mạnh tiêu thụ. Dự kiến, sức mua sụt giảm nên trong tháng tới, thép có thể đứng giá, thậm chí giảm, sức mua của thị trường trong tháng 8 sẽ chỉ dao động quanh mức khoảng 300 nghìn tấn

Theo Vân Anh (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.