Nơm nớp lo khi giá thép liên tục biến động
Giá thép trong nước thời gian gần đây liên tục điều chỉnh tăng do chi phí các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao.
Giá thép tăng là cơ hội của ngành thép nhưng lại gây khó cho doanh nghiệp xây dựng, bất động sản
Từ đầu năm đến nay, thị trường thép xây dựng ghi nhận 5-6 đợt tăng giá. Gần đây nhất, từ ngày 8.2, Thép Miền Nam đã có thông báo gửi tới khách hàng về việc điều chỉnh tăng thêm 150.000 đồng/tấn với cả hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá bán mới nhất của hai loại thép này lần lượt là 16,81 triệu đồng/tấn và 16,76 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina mới đây cũng điều chỉnh giá bán tăng hơn 1 triệu đồng/tấn, đưa giá thép xây dựng của thương hiệu này lên gần 17,5 triệu đồng/tấn. Theo đó, mức giá mới của thép cuộn Pomina tại khu vực miền Trung loại phi 10 lên 17,6-17,8 triệu đồng/tấn, tùy tiêu chuẩn; phi 12 từ 17,29-17,49 triệu đồng/tấn. Còn tại khu vực miền Nam cũng tăng 810.000 đồng/tấn, lên mức 17,08-17,49 triệu đồng/tấn, tùy loại.
Tương tự, các công ty thép khác như Hòa Phát, Việt Ý, Thái Nguyên, Vina Kyoei… cũng có giá bán ra quanh 16 triệu đồng/tấn. Hiện giá thép Hòa Phát đang ở mức 15,96 triệu đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và 15,84 triệu đồng một tấn với thép D10 CB300.
Mức giá trên được xuất bán tại các nhà máy, còn đôi với giá bán lẻ tại cửa hàng sẽ đội thêm vài triệu đồng/tấn, chủ yếu là phí vận chuyển từ nhà máy đến nơi tiêu thụ.
Các doanh nghiệp thép trong nước lý giải tăng giá bán thép do giá phôi thép, thép phế và nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép tăng cao trên toàn cầu.
"Chúng tôi đã nỗ lực bình ổn giá thị trường, song giá phôi, nguyên liệu tăng liên tục buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán các chủng loại hàng thép", đại diện Thép Miền Nam chia sẻ trong thông báo gửi tới khách hàng.
Thời gian tới, giá thép xây dựng trong nước có thể tiếp tục tăng, một phần do tính mùa vụ khi nhu cầu đầu tư và xây dựng gia tăng có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất. Sang quý 2 và 3.2023, diễn biến giá thép sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi từ nhu cầu thép.
Bảng giá thép liên tục thay đổi, nên các đại lý báo giá với khách hàng hàng ngày thay vì tuần như trước và không quên nhắn nhủ "báo giá chỉ có tính chất tham khảo tại thời điểm được lập, giá có thể thay đổi".
Doanh nghiệp “ngộp thở”
Trước xu hướng tăng giá phi mã của thép, các Công ty Chứng khoán cho rằng đây là cơ hội của doanh nghiệp thép, song cũng là khó khăn với ngành xây dựng, bất động sản.
Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh từ đầu năm đã ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của nhiều dự án, công trình và thị trường bất động sản
Trên thực tế, sắt thép và các loại vật liệu xây dựng khác tăng giá mạnh đã ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của nhiều dự án, công trình và thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn trong triển khai hoạt động xây dựng, đặc biệt là việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết.
Theo tính toán của các chủ đầu tư xây dựng, với một hợp đồng xây dựng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng (thép sắt, xi măng, đá, cát xây dựng…) chiếm 60-70%. Trong đó, thép chiếm khoảng 20-25% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 30% chi phí xây dựng căn nhà liền kề. Như vậy, giá thép tăng cao cùng với các chi phí khác sẽ đội giá công trình lên khoảng 15%.
Việc giá thép tăng nóng trong thời gian qua khiến các dự án gặp khó về tiến độ. Ngoài ra, doanh nghiệp xây dựng cũng ảnh hưởng lớn bởi trước đó đã ký hợp đồng xây dựng và báo giá cụ thể, không bao gồm trượt giá vật liệu.
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, hầu hết các nhà thầu xây dựng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhận thầu công trình rồi nhưng giá thép tăng đột biến nên "làm cũng chết, không làm cũng chết". Nếu thi công thì càng làm càng lỗ, ngược lại không tiếp tục thi công sẽ bị phạt tiến độ, thậm chí không được thanh toán phần khối lượng đã thi công.
Tương tự, các dự án về giao thông trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công, các nhà thầu vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi giá các vật liệu như sắt thép, nhựa đường và cát xây dựng có xu hướng tăng.
Để gỡ vướng cho các nhà thầu, bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư công, nhiều doanh nghiệp đã có kiến nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các sở xây dựng địa phương phải kịp thời cập nhật biến động tăng giá vật liệu xây dựng khi công bố giá trên địa bàn để làm cơ sở quyết toán dự án đầu tư.
-
Người xây nhà gặp khó vì giá vật liệu xây dựng leo thang
Các mặt hàng sắt thép, cát xây dựng... tăng giá phi mã từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều người có kế hoạch xây dựng nhà cửa phải đắn đo, suy đi tính lại.
-
Tỷ phú Trần Đình Long tiết lộ việc Hòa Phát nghiên cứu sản xuất thép đường ray tàu cao tốc, đã triển khai được 3 năm
Chủ tịch Trần Đình Long tiết lộ, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do đó, việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn trong khả năng của doanh nghiệp này....
-
Nhu cầu yếu và lãi suất cao khiến ngành thép châu Âu gặp khó
Với việc các nhà sản xuất thép khó có thể tăng giá trong bối cảnh nhu cầu yếu và lãi suất cao, thị trường thép châu Âu đang đối mặt với những khó khăn chồng chất.
-
Giá quặng sắt phục hồi sau gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc
Theo MXV, giá quặng sắt đã phục hồi 1,22% lên hơn 102 USD/tấn, chủ yếu nhờ kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc.