19/10/2020 11:00 PM
Đánh giá về hạn chế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo gửi tới Quốc hội.

Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng tương đối ổn định (vào khoảng 23%) trong tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2019. Đầu tư nước ngoài vẫn chiếm vai trò quan trọng nhất trong xuất khẩu.

Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2%, chiếm 68,8%. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ KH&ĐT dẫn số liệu 9 tháng năm 2020 phản ánh ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Cụ thể: Tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 21,2 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ 2019.

Trong đó, số vốn đăng ký cấp mới 9 tháng năm 2020 đạt 10,3 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019; số vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt 5,11 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019. Số vốn theo phương thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 5,73 tỷ USD, chỉ bằng 55,1% so với cùng kỳ năm 2019.

gia tang hien tuong chuyen gia dau tu chui dau tu nup bong

Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng (ảnh: Đầu tư)

Tính đến ngày 20/9/2020, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước giải ngân được khoảng 13,76 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cho đến ngày 20 tháng 9 năm 2020 ước đạt 225,8 tỷ USD, bằng 59,1% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 58,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư; sản xuất, phân phối điện chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định.

Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu các thiết chế văn hoá, xã hội thiết yếu…

Số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Tỉ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỉ lệ nội địa hoá còn thấp.

“Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng.” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT thông tin: Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra toàn cầu, suy thoái kinh tế xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, đầu tư nước ngoài chịu ảnh hưởng rõ rệt, thể hiện qua 7 vấn đề.

Làm trì hoãn quyết định đầu tư mới, tăng vốn hoặc mở rộng đầu tư; Làm ảnh hưởng đến kế hoạch dịch chuyển của các công ty đa quốc gia; Hoạt động M&A các doanh nghiệp gặp khó khăn; Tăng gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, đầu tư núp bóng...; Hình thành một số “liên minh” về an ninh - kinh tế giữa các quốc gia nhằm giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới quan hệ đối tác song phương với Trung Quốc; Nguy cơ tiếp nhận các dự án công nghệ thấp, sử dụng nhiều tài nguyên và không thân thiện với môi trường trong làn sóng chuyển dịch và tái định vị chuỗi cung ứng; Cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia thời kỳ Covid-19 sẽ ngày càng gay gắt.

Để đón nhận được làn sóng đầu tư mới, nhất là thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo tham mưu trình Chính phủ, đề nghị khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, cần lựa chọn dự án phù hợp, các dự án phải có sức lan tỏa, gắn kết, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới này.

Châu Như Quỳnh (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.