Kinh tế khó khăn khiến những căn nhà phố, vốn tiện làm địa điểm kinh doanh bị rớt giá mạnh, tạo cơ hội cho nhiều người có tiền mua vào. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã tác động từ khu vực sầm uất nhất đến từng con ngõ của TP HCM - nơi vẫn được mệnh danh là trung tâm “tiêu tiền” của cả nước.
Khắp trên các trục đường chính của thành phố đều có thể dễ dàng nhận thấy số cửa hàng đóng cửa ngày càng nhiều. Vì thế, những căn nhà phố cũng mất dần lợi thế thương mại, vốn được cộng vào giá thành trước đó.
Ngôi nhà số 55U-Trần Quốc Thảo (quận 3, TP HCM) cách đây hơn một năm được trả giá gần 10 tỷ đồng, nay chủ nhà chỉ muốn bán với giá 7 tỷ đồng. Nguyên nhân là gia đình đều ở bên Mỹ nên muốn bán nhà để hợp lý hóa gia đình.
Giá nhà tại nhiều tuyến phố của TP. HCM thời gian qua giảm giá khá mạnh
Không chỉ nhà phố, các khu biệt thự tại quận 7 hay đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) cũng rớt giá mạnh. Nếu cách đây 6 tháng, biệt thự từ 191 đến 230m2 đường Nguyễn Trọng Tuyển được giao dịch ở mức 17 - 19 tỷ đồng một căn, nay mức này giảm còn 14 - 16 tỷ đồng. Nếu so với cách đây gần 3 năm, biệt thự ở đây có giá 23 - 27 tỷ đồng mỗi căn thì nay mức giảm đã xấp xỉ 40%.
Dù đã giảm tới 30%, thậm chí 40%, nhưng những căn nhà phố, biệt thự kể trên vẫn là không tưởng so với khả năng của đại đa số người dân. Tuy nhiên, đối với nhiều “đại gia”, đây chính là cơ hội để họ có thể mua vào những căn nhà phố có vị trí đẹp.
Anh Đặng Khánh Tùng, Giám đốc Công ty Kinh doanh phân bón Khánh Tùng cho biết gia đình anh quyết định mua nhà để giữ tiền, thay vì gửi ngân hàng hay mở rộng kinh doanh. Vì thế, nhà anh chọn mua không chỉ giá hợp lý, mà còn phải hợp hướng làm ăn.
“Tôi đi xem một số căn thấy giá rớt đến choáng, có những căn trước đây đòi 18 tỷ đồng, giờ chủ nhà chỉ gạ bán 11 tỷ đồng”, anh Tùng cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng đại diện Hãng Sartorius (Đức) tại Việt Nam cũng đang có ý định “nhà lớn, phố chính” để tiện cho việc kinh doanh. Ông Cẩn cho biết đã mua một căn nhà 70m2, 4 tầng tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP HCM) với giá 7,8 tỷ đồng. Trước đó hơn 1 năm, căn nhà này được chào bán với giá 12 tỷ đồng. Căn nhà đang cho 2 công ty thuê với tổng giá 45 triệu đồng một tháng.
“Nếu mua và vẫn cho thuê lại, mức đầu tư khoảng 8 tỷ đồng, thu về 45 triệu đồng một tháng vẫn hấp dẫn, mà lại bảo toàn được vốn. Thời điểm này chọn mua nhà phố không có gì đáng ngại, giá đã giảm tương đối và mua nhà cũng là một cách giữ tiền an toàn”, ông Cẩn đánh giá. Hiện ông sở hữu 3 căn hộ tại Toà nhà Keangnam Landmark Tower (Hà Nội) và đã quyết định chuyển hướng sang nhà phố ở những nơi ông chọn làm địa điểm kinh doanh.
Theo đánh giá ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, những người có tiền để mua nhà phố thời điểm này gần như ai cũng có nhà, thậm chí là vài căn và thuộc đối tượng thu nhập khá trở lên. Mục đích của họ mua tiện thì ở, không thì làm việc khác chứ không phải vì chưa có nhà. Vì thế, ở phân khúc này, giá cả như thế nào là cao hay thấp phụ thuộc vào mục đích của cả người bán và người mua, ông Nam nhận định.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, những căn nhà có giá từ 7 tỷ đồng trở lên, thì giá của nó là ở vị trí và giá quyền sử dụng đất, chứ không phải là giá xây dựng của ngôi nhà. Mà lợi thế vị trí là cái giá vô cùng, khó cân đo đắt rẻ. Chẳng hạn, tại TP HCM, có những vị trí, có căn nhà có giá lên đến 600 - 700 triệu đồng một mét vuông, còn tại Hà Nội, có những căn có giá gần 1 tỷ đồng một mét vuông.
Trong khi đó, ông Lê Trung Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú, hiện sở hữu 2 căn biệt thự tại đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) cho biết ông không quan tâm nhiều đến việc các căn biệt thự đã mua xuống giá, vì ông mua nhà không phải để kinh doanh bất động sản, mà để tích trữ tài sản và phục vụ là địa điểm kinh doanh khi có điều kiện.