Mọi năm đến thời điểm cận tết, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp để thanh toán các đơn hàng nhập khẩu khiến giá đô la Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, năm nay thì ngược lại khi nhu cầu ngoại tệ lại không tăng nhiều khiến giá đô la Mỹ tại các ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ.

Nếu cuối tháng 12-2013 giá mua-bán đô la Mỹ do Vietcombank niêm yết là 21.090-21.125, thì đến ngày 20-1, giá niêm yết tại ngân hàng này là 21.070-21.110. Giá đô la Mỹ tại ACB cũng có xu hướng giảm, với mức giá ngày 30 -12-2013 là 21.095 - 21.135 đồng/đô la Mỹ đã giảm xuống còn 21.080-21.120 đồng/đô la Mỹ.

Trong khi đó, giá đô la Mỹ các ngân hàng giao dịch với nhau trên thị trường liên ngân hàng cũng chỉ xoay quanh mức 21.090-21.100 đồng/đô la Mỹ, không quá chênh lệch với giá niêm yết của ngân hàng.

Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho biết đến nay nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp giảm so với các năm trước trong khi doanh nghiệp xuất khẩu thì vẫn bán ngoại tệ đều đặn cho ngân hàng.

Một chuyên viên phòng nguồn vốn của BIDV cho biết trên thị trường liên ngân hàng, nguồn cung ngoại tệ dường như đang lớn hơn nhu cầu, và thanh khoản trên thị trường rất cao, thể hiện qua việc giá chào mua và chào bán trên thị trường này dù là giao dịch lô lớn lại rất sát với giá niêm yết của các ngân hàng.

Vị này cũng nhận xét có thể do tình hình kinh tế gặp khó khăn, các doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi nên nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán các đơn hàng trong năm nay cũng không cao. Trong khi đó, ông cho biết nguồn cung ngoại tệ đến chủ yếu từ việc các doanh nghiệp xuất khẩu bán cho ngân hàng, mặc dù không tăng đột biến nhưng do nhu cầu mua ngoại tệ năm nay không cao khiến cho cung ngoại tệ vượt hơn cầu, và giá đô la Mỹ có xu hướng giảm nhẹ.

Ngoài ra, ông cũng cho biết trong vài tháng gần đây đã có xu hướng các cá nhân có tiền gửi đô la Mỹ tại ngân hàng rút ra bán lại cho ngân hàng để lấy tiền đồng gửi vào ngân hàng hưởng lãi suất cao hơn. Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá liên ngân hàng thêm 1% vào cuối tháng 6, vị này cho biết xu hướng bán đô la cho ngân hàng của cá nhân và doanh nghiệp chựng lại. Tuy nhiên, sau một hai tháng tỷ giá ổn định thì xu hướng này đã dần rõ hơn, ông nói.

Hiện nay, gửi tiết kiệm tiền đồng tại ngân hàng có thể hưởng lãi suất từ 7%-8%/năm, trong khi lãi suất đô la Mỹ cao nhất chỉ là 1,25%/năm. Nếu tỷ giá không biến động nhiều thì gửi tiền đồng vào ngân hàng đang có lợi hơn so với đô la Mỹ.

Tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ trong năm 2014 được dự báo vẫn sẽ tiếp tục ổn định. Thông điệp của Thống đốc NHNN vào đầu năm là tỷ giá sẽ không tăng không quá 2% trong năm nay. Các tổ chức nước ngoài như HSBC cũng dự báo tiền đồng sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay nhờ vào sự hỗ trợ của các yếu tố nền tảng như dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kiều hối, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục tốt.

Vị chuyên viên của BIDV cho biết quan điểm cá nhân của ông đánh giá tiền đồng chỉ có thể giảm giá cao nhất là 1,3% trong năm nay dựa trên các yếu tố kinh tế vĩ mô đang ổn định như FDI tăng cao, viện trợ nước ngoài ODA cao, kiều hối tăng cao, dự trữ ngoại hối của NHNN cũng ngày càng cải thiện.

T.Triều (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.