09/05/2025 6:57 PM
Từ ngày 10/5, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm hơn 100,94 đồng/kWh, lên hơn 2.200 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Ngày 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng thêm 4,8% theo thẩm quyền.

Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân được quyết định điều chỉnh tăng thêm 4,8% (là mức điều chỉnh tăng thuộc thẩm quyền của EVN). Như vậy, giá điện tăng từ mức hiện nay là 2.103,11 đồng/kWh lên mức 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Với việc điều chỉnh tăng giá như trên, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 100,94 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá điện áp dụng chính thức từ ngày 10/5, tức là sau hơn 7 tháng tăng 4,8% ở lần gần đây nhất vào ngày 11/10/2024, giá điện tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 4,8%.

Giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày 10/5- Ảnh 1.

Giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày 10/5

Kể từ đầu năm 2023, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3%, 4,5% và 4,8%, và lần này tiếp tục ở mức 4,8%. Tính từ năm 2023 trở lại đây, giá điện đã tăng tới hơn 17%.

EVN cho biết, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-BCT quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Về cơ bản, theo EVN, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

Đề cập đến cơ cấu nguồn điện năm 2025, EVN cho biết nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...

Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao.

Chủ đề: Thiếu điện
Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.