Tiền sử dụng đất bất hợp lý, thủ tục kéo dài, lãi suất cao cộng thêm các khoản chi phí không tên được các chuyên gia cho là những ẩn số khiến bất động sản dù đã hạ nhiệt nhưng giá vẫn cao.

Hiện có nhiều luồng quan điểm trái chiều nhau về đáy của thị trường bất động sản. Chuyên gia kinh tế cho rằng, giá nhà rớt đến cuối năm 2013 thì quay đầu đi lên. Các doanh nghiệp khẳng định địa ốc đã giảm đến đáy. Riêng người mua vẫn chờ giá nhà lao dốc vì tin rằng doanh nghiệp sẽ tiếp tục ngã ngựa rồi bán đổ bán tháo. Khó khăn trong việc xác định đáy bất động sản được các chuyên gia cho là vì có quá nhiều ẩn số.

Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch C.T Group phân tích, giá thành bất động sản cao như hiện nay do nhiều yếu tố cấu thành quá đắt đỏ. Ông đưa ra ví dụ, muốn đầu tư dự án 100 tỷ đồng nhưng khi vào cuộc mới biết mặt bằng (đất) đã “xơi” 90% vốn. Đó là chưa kể đến tiền lãi cho khoản vay thả nổi cũng không hề nhỏ. "Chi phí cho đất đai như cục tạ kéo nền kinh tế đi xuống", ông nhận xét.

Chủ tịch C.T Group kể thêm, không chỉ có giá đất mà thủ tục hành chính chậm cũng là rào cản lớn khiến giá thành đội lên. Một khi vướng thủ tục, nếu chậm 2 năm thì lãi suất đã ăn hết vốn của doanh nghiệp.

Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch C.T Group nhận xét chi phí cho đất đai như cục tạ kéo nền kinh tế đi xuống. Ảnh: Vũ Lê

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Nam Long - cho biết: "Nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy tiền sử dụng đất là một ẩn số nên khi thị trường đóng băng họ rút lui". Theo ông Quang, muốn giá bất động sản hợp lý hơn cần phải giải bài toán tiền sử dụng đất, cải cách thủ tục để rút ngắn thời gian đầu tư.

Công nhận giá nhà tại Việt Nam còn cao so với thế giới song Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa cho rằng đây là hệ quả tất yếu. Bởi lẽ, các chi phí: xây dựng, đất, vốn đều cao chót vót và không thể giảm nổi. "Muốn dò được đáy thị trường cần giải mã hai ẩn số: tiền sử dụng đất và thủ tục. Doanh nghiệp cũng phải chấp nhận giảm lợi nhuận và chi phí tài chính phải thấp, lãi vay ổn định", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nêu thực tế: "Nhiều người kỳ vọng giá căn hộ tiếp tục giảm mạnh và căn cứ vào giá thành để dò đáy bất động sản nhưng điều này chưa chính xác". Ông Hiển giải thích, giá đáy của một sản phẩm không phụ thuộc vào giá thành mà thường do cung cầu quyết định. Bằng chứng là thế giới từng chứng kiến dầu hoả, nông sản, hàng tiêu dùng bị giảm giá cực mạnh, xuống thấp hơn giá thành khi cung vượt cầu và ngược lại.

Giá thành bất động sản bị cho là cõng quá nhiều chi phí không tên. Ảnh: Vũ Lê.

"Người hiểu thị trường sẽ ít khi tìm kiếm và chờ đáy thật sự để mua, vì thực tế không thể xác định đáy", ông cho hay. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy một khi thị trường bật lại thì cơ hội mua tốt nhất đã trôi qua. Do vậy thời điểm mua hợp lý thường được xác định là khi giá thị trường đã thấp hơn giá thành tối thiểu. Khi đó nguồn cung sẽ chựng lại cũng là lúc lựa chọn hàng tốt để mua mà không sợ thua lỗ trong trung hạn.

Để xác định giá thành tối thiểu của căn hộ, theo ông Hiển, phải gắn với một phân khúc cụ thể (cao cấp, trung cấp, bình dân) tại vị trí cụ thể. Công thức là giá đất, phí xây dựng, phí quản lý cộng lại sẽ ra giá thành cơ sở cho một m2 sàn. Giá này sẽ được chia cho tỷ lệ 60-75% tuỳ từng phân khúc để ra giá nhà thương phẩm. "Ngoài các chi phí trên còn phải tính đến lãi vay, chi phí xin dự án, phí quản lý công ty, giới thiệu sản phẩm...", ông bổ sung.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land), Lê Hùng cho biết, bên cạnh các chi phí đo đếm và đặt tên được, bất động sản còn chịu những chi phí không tên. Đó là: thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực cấp phép xây dựng kéo dài, quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng...

"Khoảng thời gian chờ từ khi khởi động đến lúc hình thành dự án mất ít nhất 3-5 năm cũng góp phần đẩy chi phí lên cao. Muốn giá nhà rẻ thì Chính phủ hãy cắt giảm từ gốc rễ: hạ giá đất, điều chỉnh tiền sử dụng đất và bỏ bớt thủ tục nhiêu khê", ông nói.

  • Dự án “treo” - treo mãi đến bao giờ

    Dự án “treo” - treo mãi đến bao giờ

    Những năm qua, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung ở nhiều địa phương trong cả nước bung ra như nấm sau mưa, hàng ngàn ha đất ruộng bị thu hồi, nhiều tỉnh còn “xé rào”, trải thảm đỏ mời gọi đầu tư. Song, do kinh tế suy thoái, nhiều KCN, CCN hiện đang để đất hoang hóa, nhiều dự án được cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai dẫn đến tình trạng dự án “treo”, trong khi người dân thiếu đất sản xuất.

  • Cấp phép xây dựng: Sẽ gỡ khó cho dân

    Cấp phép xây dựng: Sẽ gỡ khó cho dân

    Sau khi Nghị định 64/CP của Chính phủ về cấp phép xây dựng có hiệu lực (từ 20/10/2012), nhiều hộ gia đình lẫn chuyên gia xây dựng đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của văn bản này.

  • Quỵt, lừa mua bán nhà, đất - Bài 2: Nắm đằng cán cũng... mất của!

    Quỵt, lừa mua bán nhà, đất - Bài 2: Nắm đằng cán cũng... mất của!

    Một số người bán đang ngậm bồ hòn làm ngọt do để người mua sang tên nhà khi chưa trả đủ tiền.<br/br>

Theo Vũ Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.