Bầu Đức đi đầu “đào vàng” tại Myanmar
Từng khẳng định vài năm nữa thị trường bất động sản Myanmar sẽ nóng bừng bừng, có thể kiếm tỷ đô như chơi nhưng ai nhanh chân mới được ăn trước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã bước chân vào thị trường này từ năm 2012. Trước đó, ông còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu thị trường.
Càng nghiên cứu thị trường, bầu Đức càng phát hiện ra, bất động sản Myanmar là “miếng bánh ngọt ngào”. Chính vì vậy, bầu Đức quyết định rót 300 triệu USD vào nhiều dự án ở cố đô Yangon của Myanmar.
Tổng giám đốc HAGL Land Lê Hùng cũng khẳng định sự tập trung vào thị trường bất động sản Myanmar của bầu Đức khi khẳng định: "Khách sạn, văn phòng cho thuê tại Myanmar đang thiếu hụt. Chủ tịch Tập đoàn, Đoàn Nguyên Đức đã chỉ đạo phải bám sát thị trường này".
Bầu Đức sớm phát hiện ra "mỏ vàng" Yangon
Sự mạnh tay đầu tư vào Myanmar của bầu Đức khiến Bộ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, H.E U Htay Aung phải khẳng định: "Hoàng Anh Gia Lai không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar".
Trước đó, bầu Đức lên kế hoạch dự án khổng lồ này sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện trong 3 năm từ năm 2013 đến 2015 tập trung xây dựng trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng cho thuê 1 và khách sạn 5 sao. Giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2018, sẽ xây khu căn hộ cho thuê và tòa nhà văn phòng cho thuê 2.
Tuy nhiên, bầu Đức nhanh chóng nhận ra rằng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án tại đây. Trong Nghị quyết Hội đồng quản trị 2013, Hoàng Anh Gia Lai khẳng định dự án Myanmar sẽ khởi công trong năm 2013, dự kiến tháng 6/2014 sẽ hoàn thành khối văn phòng cho thuê và tháng 6/2014 sẽ hoàn thành khách sạn.
Với nhiều lợi thế, bầu Đức tin rằng Hoàng Anh Gia Lai có thể dễ dàng “hái” tỷ đô từ thị trường mới mẻ này sau vài năm nữa. Tuy nhiên, có vẻ như giá cho thuê văn phòng tại Yangon không chờ bầu Đức mà vội tăng phi mã trong năm nay sau khi "leo thang" suốt hai năm qua.
Giá thuê văn phòng Yangun tăng phi mã
Trong một bài báo mới nhất, các phóng viên của Reuters cho biết hiện nay ngày càng nhiều các công ty nước ngoài rời trụ sở tại Yangon do không chịu được giá thuê văn phòng quá cao, Cụ thể, giá thuê văn phòng tại đây đã tăng gấp đôi, thậm chí tăng gấp 3 chỉ trong vòng 3 năm qua.
Theo Reuters, giá thuê văn phòng tại Yangon có thể khiến nhiều công ty nước ngoài mới thâm nhập thị trường này choáng váng. Nếu không sớm có biện pháp kìm hãm đà tăng của giá văn phòng, đây có thể trở thành vật cản trong môi trường kinh tế của Myanmar.
Theo Cushman & Wakefield, một hãng bất động sản thương mại có trụ sở ở Mỹ, giá thuê văn phòng ở Yangon đã vượt xa Singapore và Manhattan của New York và đứng thứ 11 trên thế giới. Giá thuê văn phòng hàng tháng tại tòa tháp Sakura trung tâm thành phố Yangon tăng từ 20 USD cách đây 3 năm lên 90 USD trong năm nay.
Giá thuê văn phòng tăng gây áp lực lên hoạt động cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Jiang Yun, đại diện kinh doanh của một ngân hàng Trung Quốc tại Myanmar, cho biết sự gia tăng thậm chí còn khó chịu cho các doanh nghiệp tài chính như ngân hàng.
Giá thuê văn phòng tại Yangon tăng mạnh
Ông Jiang Yun, cho biết: “Ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng khó chấp nhận được giá thuê văn phòng hiện tại vì lợi nhuận không thể tăng gấp đôi sau một năm, tương đương mức tăng giá thuê văn phòng. Theo tôi được biết, có nhiều công ty, trong đó cả công ty bản địa phải chuyển đi. Không phải công ty nhỏ, đó là những công ty lớn hoặc trung bình. Rất nhiều trong số họ ra đi suốt 3 năm qua”.
Nhiều chuyên gia của các công ty nước ngoài lý giải giá thuê văn phòng tại Yangon tăng vọt bởi nguồn cung hạn chế và tốc độ xây dựng văn phòng mới không theo kịp tốc độ các doanh nghiệp mở mới hoạt động kinh doanh ở đây.
Giá thuê văn phòng tăng cao buộc một số công ty bất động sản di chuyển ra khỏi các tòa nhà văn phòng ở trung tâm thành phố để tìm văn phòng tại tòa nhà ở ngoại ô.
Myint Kyaw, giám đốc một công ty bất động sản phải chuyển văn phòng ra ngoại ô cho biết: “Từ khi Chính phủ áp dụng chính sách mở cửa, tiền đua nhau đổ vào bất động sản. Bây giờ không phải chỉ doanh nhân mới mua bán bất động sản mà bất cứ ai cũng tham gia kinh doanh”.
Chính vì vậy, các nhà phân tích trong ngành công nghiệp bất động sản nhận định việc một số lượng lớn tiền được đổ vào bất động sản văn phòng Yangon, hàng loạt các dự án cao ốc văn phòng mới được bắt đầu có thể giúp làm giảm giá thuê văn phòng của thành phố sẽ giảm trong thời gian tới đây.
Và đó cũng là thời điểm nhiều dự án của bầu Đức hoàn thành. Vì vậy, không ít người lo ngại bầu Đức khó có thể “hái” được tỷ đô như kỳ vọng trước đó.
Tuy nhiên, dường như bầu Đức chẳng có lý do gì để lo lắng nhiều vì ông là người “nhanh chân”. Khi một số nhà đầu tư bây giờ mới đầu “nhảy vào” nghiên cứu, tìm hiểu về mảnh đất Myanmar thì Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai đã xem xét, thăm dò từ 3 năm trước.
Bầu Đức có lợi thế hơn những người đi sau là mua được giá đất rẻ, từ khi giá đất ở Myanmar chỉ từ 750 USD/m2, giờ giá đã lên 4000 USD/m2 rồi. Từ khoảng cách chênh lệch về giá lớn như vậy, với vốn đất 8ha mà ông chủ này mua được với giá rẻ, hiện tại, giá trị dự án của Hoàng Anh Gia Lai chỉ tính riêng tiền lãi từ đất đã là một con số khổng lồ.
Nếu giá thuê văn phòng tại Yangon giảm, bầu Đức vẫn yên tâm "hái" tiền. Hơn nữa, cần phải thấy giá thuê tại đây đứng ở mức rất cao nên khi giảm chắc chắn nó vẫn ở trong khoảng giá lãi của ông bầu giỏi tính toán này.