Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 4 vừa qua, lĩnh vực phi nông nghiệp tạo ra được lượng việc làm 115.000, thấp hơn so với mức dự báo 170.000 được đưa ra trước đó. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng đã giảm xuống 8,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009.
Thông tin trên đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán và các hàng hóa cơ bản. Theo đó, thị trường chứng khoán và giá dầu thô đã nhanh chóng lao dốc do nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ khi thị trường việc làm không được cải thiện như kỳ vọng.
Các chỉ số Dow Jones, Nasdaq, S&P 500 đều giảm từ 1,61-2,25% trong phiên cuối tuần. Còn tính chung cả tuần, 3 chỉ số này giảm từ 1,44-3,68%.
Mặc dù chứng khoán giảm mạnh, nhưng tâm điểm phiên giao dịch ngày 4/5 lại nằm ở giao dịch dầu thô khi giá hàng hóa này bị bán tháo mạnh nhất.
Tại thị trường London, giá dầu Brent kết thúc phiên giảm 2,69 USD xuống 113,39 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 3% trong 2 phiên vừa qua.
Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 4,05 USD xuống 98,49 USD/thùng, mức giảm mạnh nhất trong năm nay.
Trái ngược với tâm lý lo ngại về triển vọng chứng khoán, giá dầu thô, nhà đầu tư trên thị trường vàng lại hồ hởi gom mua kim loại quý này với kỳ vọng FED sẽ phải tung gói kích thích kinh tế mới để hỗ trợ nền kinh tế.
Mở cửa phiên giao dịch với mức giá 1.630 USD/oz, giá vàng đã tăng lên 1.645 USD/oz sau đó hơn 2 giờ giao dịch. Cho dù có sự giằng co mạnh, nhưng lực cầu áp đảo đã giúp giá vàng tăng trở lại ở thời điểm kết thúc ngày giao dịch.
Chốt phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.643,2 USD/oz. Còn giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 10,4 USD lên 1.645,2 USD/oz.
Nhờ phiên tăng giá cuối tuần nên giá vàng chỉ giảm 0,6% trong tuần qua, nhưng giảm tới 150 USD từ mức đỉnh lập hồi cuối tháng 2/2012.
Trong phiên ngày 4/5, Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust không giao dịch, vẫn nắm giữ 1.274,09 tấn vàng, tương đương 40.963.162,81 ounces, trị giá 67,351 tỷ USD.