Được đưa vào sử dụng từ năm 1984, suốt nhiều năm nay nhà A7 khu tập thể (KTT) Tân Mai (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau quá trình kiểm tra, khảo sát năm 2010, Sở Xây dựng đã ra văn bản số 3405/SXD GĐCL xếp KTT này vào loại nguy hiểm cấp C, cần ưu tiên cải tạo. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án cải tạo vẫn ì ạch, chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra phương án sửa chữa thống nhất với người dân.
Lo lắng chồng thất vọng
Cứ đến mùa mưa bão, hơn 50 hộ dân với gần 200 nhân khẩu ở khu nhà A7 lại đôn đáo chuẩn bị các vật dụng để sẵn sàng sơ tán. Khuôn mặt đầy lo lắng, bà Nguyễn Thị Việt (70 tuổi, căn hộ 406) cho biết: Năm 2010, khi khu vực cầu thang bộ nối từ tầng 1 lên tầng 5 có dấu hiệu tách rời nhau, gây nguy hiểm đến toàn bộ kết cấu khu tập thể thì Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội – đơn vị quản lý tòa nhà đã cho người xuống lắp hệ thống giàn giáo thép nhằm gia cố, chống đỡ tạm thời.
Mặc dù có hệ thống giàn giáo gia cố tạm thời song khu tập thể vẫn tiếp tục xuống cấp với nhiều vết rạn nứt chằng chịt
Tuy nhiên, đến nay mỗi khi phải leo lên các tầng trên, đặc biệt là khu vực tầng 4, 5 tòa nhà, người dân không khỏi lo sợ bởi hệ thống giàn giáo sắt xuất hiện nhiều chỗ hoen gỉ, cong vênh. Phần tường và vách cầu thang bộ ngày càng tách rời nhau, không còn đảm bảo an toàn như trước.
Chưa hết, hiện lo lắng và ám ảnh nhất với người dân khu vực này là tình trạng trần nhà bong tróc, luôn chực chờ đổ ụp xuống đầu. “Khoảng tháng 5/2017, khi tôi đang nấu ăn thì một mảng lớn vôi vữa trần nhà bị sập khiến cả gia đình tôi hết sức lo lắng. Ở đây, chúng tôi cấm trẻ con chơi quanh khu vực cầu thang bởi khu vực này rất mất an toàn. Cảnh vôi vữa rơi rụng khi đi cầu thang là dễ thấy nhất. Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, cứ xem chương trình thời tiết, thấy có dấu hiệu mưa lớn là phải gói ghém đồ đạc chuẩn bị tư thế sẵn sàng sơ tán” – bà Việt chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quang Gắng - Tổ trưởng Tổ dân phố 15, phường Tân Mai, độ xuống cấp của nhà A7 KTT Tân Mai là cấp C, chưa phải cấp nguy hiểm nhất (cấp D), do vậy cũng chưa thuộc diện ưu tiên di dời người dân mà chỉ tiến hành cải tạo.
Ông Gắng cho biết, kết quả thẩm định này liên tục được triển khai trong nhiều năm như: Tháng 5/2010, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã có văn bản số 3405/SXD-GĐCL về việc thống nhất với ý kiến của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà và Đô thị (HUD6) về đánh giá mức độ nguy hiểm của tòa nhà A7, KTT Tân Mai ở cấp C. Đến tháng 12/2012, Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội tiếp tục đánh giá mức độ nguy hiểm của công trình tại thời điểm kiểm định là cấp C. Gần đây nhất, khoảng tháng 4/2016, Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội lại tiếp tục tiến hành kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng nhà A7 theo hợp đồng với Sở Xây dựng – vẫn là cấp C.
Đáng nói, trong các kết quả thẩm định trên đều cho thấy mức độ xuống cấp nguy hiểm của tòa nhà và đề nghị ưu tiên cải tạo. Tuy nhiên, từ năm 2011, khi UBND Thành phố giao cho HUD6 cải tạo KTT Tân Mai thành các tòa nhà cao tầng hiện đại thì cho đến nay, phía chủ đầu tư vẫn chưa có thoả thuận, thống nhất phương án với người dân.
“Sau nhiều lần kiến nghị, người dân KTT tỏ ra thất vọng bởi không biết việc cải tạo sẽ giải quyết như thế nào. Hiện nay, khu nhà vẫn đang tiếp tục xuống cấp. Minh chứng là độ nghiêng ra phía sau ngày càng lớn. Toàn bộ chiếu nghỉ khu vực cầu thang ngày càng dời xa tường chịu lực và giàn giáo. Năm ngoái, khoảng tháng 5/2016 xảy ra hiện tượng sập tường mái cầu thang. Hiện mái khu nhà đang có hiện tượng sắp đổ sập ở căn hộ số 506” - ông Nguyễn Quang Gắng chia sẻ.
Không thể “đắp chiếu” lâu hơn nữa
Sự xuống cấp của nhà A7 Tân Mai khiến người dân sống tại đây và chính quyền địa phương rất lo lắng. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai cho biết: Qua kiểm tra và thẩm duyệt của nhiều đơn vị liên quan, hệ thống cầu thang và mái chung cư A7 được xếp nguy hiểm ở cấp độ D, nhưng tổng thể cả khu vẫn chưa đến mức độ di dời nên xếp loại C.
Về vấn đề cải tạo, thành phố đã phê duyệt và giao cho HUD6 làm chủ đầu tư, nghiên cứu và lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại KTT Tân Mai (gồm 7 khối nhà A1, A2, A3, A5, A6, A7, A8) thành 2 khu chung cư CT1 và CT2. Sau khi dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Tân Mai được phê duyệt, đơn vị này cũng đã xuống làm việc với phường Tân Mai nhằm khảo sát, lấy ý kiến người dân.
Theo Phó Chủ tịch phường Tân Mai, khúc mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề kinh phí tu sửa khu nhà. Được biết, chung cư A7 được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1984 làm nơi ở cho khoảng 50 hộ gia đình là các cán bộ công nhân viên hưu trí của 3 cơ quan là: Cơ giới xây dựng, Bê tông Thịnh Liệt và Cơ khí xây dựng. Cả 3 cơ quan này đều thuộc Sở Xây dựng. Việc sửa chữa nhà A7 được giao cho Xí nghiệp nhà Hai Bà Trưng mang hình thức xã hội hóa, cần sự đóng góp phần lớn của người dân. Tuy nhiên, do dân cư KTT A7 chủ yếu là cán bộ hưu trí với hoàn cảnh hết sức khó khăn nên khó huy động được vốn để sửa chữa.
Chia sẻ điều này, ông Huy cho biết: “Cuối năm 2016, phường đã làm văn bản đề nghị các đơn vị liên quan xem xét hỗ trợ kinh phí cải tạo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đơn vị này vẫn chưa phản hồi lại và cũng chưa đả động đến việc cải tạo sửa chữa. Ngân sách phường có hạn nên công tác hỗ trợ, sửa chữa cũng không được nhiều”.
Thay mặt các hộ dân sống trong KTT, ông Nguyễn Quang Gắng kiến nghị: “Dân cư KTT A7 chỉ sống bằng đồng lương hưu trí thuần túy, điều kiện nghèo túng. Bản thân khu nhà A7 xuống cấp, các hộ dân cũng phải tự bỏ tiền sửa chữa nội căn của họ. Phần mái và cầu thang là phần công cộng, không thuộc diện tích sở hữu riêng nên nếu không có sự hỗ trợ thì người dân sẽ không có điều kiện sửa chữa”.
Theo tìm hiểu, do khu nhà xuống cấp nên phần lớn các hộ dân đã tìm cách “di cư” tìm hơn ở mới. “Lo lắng đêm hôm nhà sập nên phần lớn những gia đình có điều kiện đều tìm cách chuyển đi nơi khác. Năm 2016, cả khu còn 21 hộ dân gốc. Sắp tới, qua tết Nguyên đán, 3 hộ nữa sẽ rời đi, cả chung cư chỉ còn vỏn vẹn 18 hộ dân gốc” – ông Gắng cho biết.
Theo đại diện phường Tân Mai, trong khi chờ đợi các đơn vị liên quan tiến hành sửa chữa khu nhà A7, thời điểm mưa bão phường đều tích cực triển khai xây dựng phương án di chuyển tạm thời đối với các hộ dân nơi đây. Cụ thể, phường phân công 4 điểm di chuyển tạm thời là 2 trường học và các nhà hội họp xen kẽ khu dân cư. Tuy nhiên, về lâu dài, để người dân an tâm và ổn định cuộc sống, công tác sửa chữa khu nhà A7 cần sớm được triển khai.
Rõ ràng, công trình nhà A7 KTT Tân Mai xuống cấp đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân trong khu vực. Ngay lúc này, điều mà hơn 200 người dân đang sống tại đây mong muốn các đơn vị sửa chữa, cải tạo liên quan sớm có kế hoạch rõ ràng, làm sao sớm đảm bảo an toàn cho cuộc sống của các hộ dân.
Đinh Luyện (LĐTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.