30/12/2020 8:45 AM
Hiện nay, giá thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đều tăng khoảng 20% so với đầu năm 2019. Nguyên nhân là do diện tích đất để cho thuê trong các KCN còn rất ít, trong khi nhu cầu nhiều nên các công ty hạ tầng đã tăng giá.

Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được doanh nghiệp thuê hết đất để lập nhà xưởng sản xuất Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh:H. Giang

Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được doanh nghiệp thuê hết đất để lập nhà xưởng sản xuất Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh:H. Giang

Theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, đã được UBND tỉnh phê duyệt thì giá đất KCN được tính tùy theo từng vị trí. Vì thế, khu vực có giá đất thấp nhất là KCN Tân Phú (H.Tân Phú), KCN Định Quán (H.Định Quán), KCN Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) và KCN Suối Tre (TP.Long Khánh). Địa bàn có giá đất công nghiệp cao là TP.Biên Hòa.

Có thể tăng theo năm

Không riêng giá đất công nghiệp mà các loại đất khác trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được áp giá cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, tính thuế... đều được căn cứ vào bảng giá đất của tỉnh để tính toán. Tuy nhiên, mỗi năm UBND tỉnh sẽ ban hành kèm hệ số giá đất, tiền thuê đất, tính thuế, chuyển mục đích bằng giá đất nhân với hệ số. Đơn cử năm 2020, giá đất KCN Loteco (TP.Biên Hòa) có giá cao nhất là 3,9 triệu đồng/m2 và hệ số là 1,1 nên giá đất cho thuê là 4,29 triệu đồng/m2. Thông thường hệ số giá đất sẽ được điều chỉnh tăng từng năm.

Hơn 3 năm nay, giá đất tại Đồng Nai liên tục tăng cao nên giá các loại đất cũng được điều chỉnh tăng theo để tiệm cận với giá thị trường. Tại một số tuyến đường thuộc TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, giá đất ở tăng 1,5-3 lần, cá biệt có nơi mở ra tuyến đường mới tăng đến 5-6 lần. Vì thế bất động sản công nghiệp cũng tăng theo.

Đồng Nai hiện có 32 KCN được thành lập, trong đó 31 KCN đã hoàn thành hạ tầng và có các dự án đang hoạt động, 1 KCN đang trong quá trình xây dựng hạ tầng, chưa có đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đạt 82%, diện tích đất còn lại cho thuê khoảng 1,3 ngàn ha, nhưng phần lớn là chưa giải phóng mặt bằng xong nên còn rất ít đất cho thuê. Trong năm 2019-2020, nhiều DN muốn đến Đồng Nai thuê 5-10ha đất công nghiệp trong KCN thì rất khó tìm.

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Giá đất cho thuê trong các KCN là do các công ty hạ tầng quyết định và họ căn cứ bảng giá đất UBND tỉnh đã ban hành để thỏa thuận với DN thuê đất. Nếu phát hiện giá đất cho thuê quá cao, Ban chỉ có thể nhắc nhở các công ty hạ tầng điều chỉnh cho phù hợp để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh”.

Chấp nhận giá cao để thuê đất

Với lợi thế về khí hậu, giao thông, đất đai nên dù đất công nghiệp giá thuê cao nhưng nhiều DN vẫn chấp nhận thuê để làm nhà xưởng sản xuất. Vì khí hậu Đồng Nai hiếm khi xảy ra bão, lũ, nền đất cao, cứng, chi phí xây dựng nhà xưởng thấp, khu vực này lại là trung tâm giao thông vùng nên giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa ra cảng, các tỉnh, thành khác.

Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 không còn đất để cho thuê

Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 không còn đất để cho thuê

Theo ông Lê Văn Danh, các DN chấp nhận thuê đất công nghiệp ở Đồng Nai cao hơn so với một số tỉnh, thành lân cận là vì đã tính toán thấy được lợi thế tới đây khi cảng hàng không quốc tế Long Thành xây dựng xong đưa vào khai thác, những đơn hàng cần nhanh và gấp sẽ rút ngắn được nhiều thời gian vận chuyển. Bên cạnh đó, tới đây hàng loạt đường cao tốc, đường vành đai được xây dựng cũng giúp DN giảm nhiều chi phí logistics.

Bà Vũ Thị Ngoan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vũ Minh Phúc (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty của tôi làm tư vấn, giới thiệu địa điểm đầu tư cho các DN trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xây dựng nhà xưởng ở các KCN phía Nam để cho thuê. Giá đất tại các KCN Đồng Nai hiện nay khá cao so với các tỉnh lân cận, nhưng nhiều DN vẫn chọn lựa vì tính toán tổng thể có thể giảm chi phí ở những khâu khác bù lại”.

Tuy nhiên, nếu giá đất công nghiệp quá cao, có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh trong hiện tại và những năm tới. Mục tiêu của Đồng Nai trong giai đoạn 2021-2025 là vẫn tập trung vào phát triển công nghiệp, theo các chuyên gia về kinh tế, muốn thu hút được nhiều nguồn vốn cao, chất lượng tỉnh cần tạo được môi trường đầu tư đủ hấp dẫn gồm: đất đai, chính sách, dịch vụ hỗ trợ DN, thời gian giải quyết hồ sơ...

Ông Park Hyun Bea, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai chia sẻ: “Có nhiều DN Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào các KCN của tỉnh để xây dựng nhà máy sản xuất cung ứng cho DN FDI tại Việt Nam và xuất khẩu. Tuy nhiên, quỹ đất công nghiệp cho thuê của tỉnh còn rất ít, không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Có những tập đoàn chấp nhận thuê đất công nghiệp ở Đồng Nai giá cao hơn những tỉnh lân cận nhưng tìm không ra”.

Do đó, muốn thu hút được những dự án FDI chất lượng trong thời gian tới, Đồng Nai gấp rút chuẩn bị được quỹ đất cho thuê, đồng thời giá đất công nghiệp cũng không thể để xảy ra tình trạng “sốt” như các sản phẩm bất động sản dân dụng khác.

  • Bổ sung 3 khu công nghiệp Đồng Nai vào Quy hoạch

    Bổ sung 3 khu công nghiệp Đồng Nai vào Quy hoạch

    CafeLand - Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

Hương Giang (Báo Đồng Nai)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.