Đặc biệt, nguồn cung nhà ở đang mất cân đối nghiêm trọng với sự thống lĩnh của phân khúc cao cấp, trong khi nhà ở bình dân gần như vắng bóng.
Cụ thể trong 11 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM tăng trưởng dương trở lại với mức trên dưới 9%. Tuy nhiên, số liệu của Sở Xây dựng cho thấy nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở rất hạn chế.
Cụ thể, chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, không có dự án nhà ở nào được giao đất, cho thuê đất và chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng.
“Hiệp hội nhận thấy, chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư trong 11 tháng đầu năm 2024 là quá ít, chỉ bằng khoảng 1/5 số lượng dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư vào các năm trước đại dịch Covid-19”, HoREA cho biết.
Sở Xây dựng cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2024 không có dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội được giao đất, cho thuê đất và chỉ cấp Giấy phép xây dựng cho 02 dự án nhà ở thương mại và không có dự án nhà ở xã hội được cấp Giấy phép xây dựng.
“Tình trạng không có dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được giao đất, cho thuê đất trong 11 tháng qua và chỉ cấp giấy phép xây dựng cho 2 dự án nhà ở thương mại và không có dự án nhà ở xã hội được cấp giấy phép xây dựng sẽ dẫn đến hệ quả là không có dự án nhà ở mới được bổ sung cho thị trường bất động sản và không có dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội mới nào đủ điều kiện triển khai thực hiện vào đầu năm 2025”, HoREA cảnh báo.
Đáng chú ý, 100% nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn trong 11 tháng qua đều thuộc phân khúc cao cấp.
Cụ thể, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn đưa sản phẩm ra thị trường, giảm 75% số lượng dự án với tổng số chỉ có 1.611 căn nhà và tất cả đều là nhà ở cao cấp.
Tổng giá trị cần huy động vốn của 1.611 căn nhà là 15.142 tỷ đồng, bình quân giá nhà rất cao, lên đến 9,39 tỷ đồng/căn. Điều này cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm nhà ở, khiến người có thu nhập trung bình và thấp khó tiếp cận nhà ở.
“Đây là lần đầu tiên phân khúc nhà ở cao cấp chiếm lĩnh toàn bộ thị trường bất động sản thành phố. Trên thị trường không còn nguồn cung nhà ở trung cấp, nhà ở bình dân mới có giá vừa túi tiền trong các dự án nhà ở thương mại càng làm cho cơ cấu sản phẩm nhà ở trên thị trường bất động sản thành phố thêm 'méo mó', chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của đông đảo người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đô thị và thị trường phát triển thiếu bền vững, thiếu an toàn và chưa lành mạnh”, HoREA nhận định.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong 11 tháng đầu năm, không có dự án nhà ở thương mại được chuyển nhượng. Theo HoREA, tình trạng không có dự án nhà ở thương mại được chuyển nhượng trong 11 tháng qua đã cho thấy hoạt động chuyển nhượng dự án (M&A) đang bị “ách tắc”, mà đây là nhu cầu thực tế rất lớn của nhiều chủ đầu tư chuyển nhượng để tái cơ cấu đầu tư nên rất cần bán, chuyển nhượng dự án để vượt qua khó khăn, tạo dòng tiền.
Bên cạnh đó, HoREA cũng cảnh báo về tình trạng 86 dự án nhà ở thương mại “tồn kho” với tổng quy mô lên đến 964,38ha, gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai.
-
Top 20% thu nhập cao nhất Việt Nam cũng chật vật với giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM
Trong những năm gần đây, khả năng sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã trở thành một thách thức lớn, ngay cả đối với những hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao nhất.
-
TP.HCM mời gọi nhà đầu tư quốc tế tham gia các dự án hạ tầng, logistic, cảng biển tỷ đô
Lãnh đạo UBND TP.HCM mời gọi các nhà đầu tư quốc tế tham gia các dự án đường sắt đô thị, logistic, cảng biển quan trọng trên địa bàn dự kiến triển khai trong thời gian tới.
-
TP.HCM thu hơn 17.000 tỷ đồng từ đất đai
UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP, theo PLO.
-
Celadon City: Trái ngọt hạnh phúc sau 15 năm kiến tạo “tiểu vùng sinh thái” phía Tây TP.HCM
Trong những ngày qua, Gamuda Land đã tổ chức lễ trao hơn 142 cuốn sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) đến tay cư dân khu Ruby.