24/11/2011 12:50 AM
Giá nhà đất tại thị trường Việt Nam năm 2011 đã giảm mạnh 20-30%, nhiều công ty đã phải bán căn hộ giá rẻ để trả nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên động thái giảm giá ở những dự án căn hộ cao cấp thời gian tới có thể còn thấp hơn.
Đó là nhận định của ông Marc Townsend, giám đốc điều hành Công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, tại hội thảo quốc tế "Khủng hoảng tín dụng: Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đi về đâu?" do Hãng luật DFDL Mekong phối hợp Công ty TNHH tư vấn bất động sản CBRE và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức sáng 23-11 tại TP.HCM.

Giá bất động sản sẽ còn giảm thêm

Nhiều dự án căn hộ cao cấp đã phải giảm xuống còn 20 USD/m2 nhưng người đi thuê vẫn còn muốn thương lượng lại giá - Ảnh: H.NHỰT

Giảm chưa sát giá


Ở phân khúc văn phòng cho thuê, ông Marc Townsend cho rằng nhiều dự án cao cấp đã phải giảm xuống còn 20 USD/m2 nhưng người đi thuê vẫn còn muốn thương lượng lại. Hiện điều mà khách thuê văn phòng quan tâm nhất là giá cạnh tranh, và đây cũng là thời điểm nhiều công ty có cơ hội dời văn phòng từ những khu vực vùng ven như Q.7, Tân Bình... về các quận trung tâm thành phố.


Để duy trì và lôi kéo khách thuê, các chủ đầu tư cần duy tu lại các tòa nhà hiện có, gia tăng thêm giá trị tiện ích cho toàn tòa nhà như nâng cấp tầng hầm, trang trí lại văn phòng, tiết kiệm năng lượng và cần tìm cơ hội để đàm phán lại giá cho thuê...


CBRE Việt Nam dự báo thị trường bất động sản 2012 ở tất cả các phân khúc vẫn tiếp tục ảm đạm. Riêng phân khúc bất động sản phục vụ lĩnh vực giáo dục, trường mầm non quốc tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và dịch vụ ăn uống vẫn làm ăn tốt.

Tương tự, theo ông Michael Kokalari - trưởng bộ phận nghiên cứu thông tin Công ty chứng khoán Kimeng, qua tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ các quốc gia Mỹ, Nhật và khu vực châu Âu cho thấy các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất hành vi tiêu dùng của tầng lớp trung lưu trẻ ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Cụ thể trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư Nhật, Mỹ đã mua lại cổ phần của các công ty công nghiệp tiêu dùng của Việt Nam như Masan, Hương Thủy... vì nhìn thấy được tiềm năng phát triển ở lĩnh vực này chứ không hẳn là bất động sản.

Ông Michael Kokalari nhận định giá bất động sản tại thị trường Việt Nam tuy đã giảm 20-30% như công bố của Công ty PVL thời gian qua nhưng vẫn chưa giảm tới mức giá cân bằng của nó. Nhiều công ty lớn gặp khó khăn về thanh khoản, nợ ngân hàng nhưng cũng không đến nỗi tuyệt vọng, vì nợ tăng là điều bình thường trong giai đoạn khủng hoảng.


Nhiều thay đổi tích cực


Ông David Trần, phó chủ tịch kiêm giám đốc Hiệp hội Đầu tư bất động sản khu vực châu Á tại Mỹ (AREAA), cho rằng khi thị trường mất thanh khoản, các chủ đầu tư cần tìm đến những nguồn tiền bên ngoài ngân hàng, và kiều hối sẽ là lối thoát cho các dự án bất động sản. Ông nói nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý, giảm bớt những rào cản về luật hợp đồng, pháp luật thuế cho nhà đầu tư nước ngoài... sẽ đón nhận một lượng kiều hối khá lớn từ hơn 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản.


Trong khi đó, bà Tạ Châu, giám đốc nhóm bất động sản Công ty tư vấn thuế và luật DFDL Mekong, rất hào hứng với những thay đổi pháp lý của Việt Nam trong năm 2012.


Theo bà Châu, việc Bộ Tài chính đề xuất mở Quỹ tín thác bất động sản (REITs), nếu được vận hành tốt sẽ tạo ra một thay đổi mạnh cho thị trường bất động sản trong những năm tới. Thông qua REITs, tạo cơ chế thoái vốn cho nhà đầu tư một cách dễ dàng khi cần thiết rút vốn. Nhóm các chuyên gia kinh tế, luật pháp cũng đã đề xuất 16 thay đổi trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có Luật đất đai, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp sẽ tạo tính tích cực về pháp lý cho Việt Nam trong 5 năm tới.


Bà Châu cho rằng thị trường bất động sản trong năm 2012 phụ thuộc vào các quyết sách của Chính phủ. Nếu Chính phủ tiếp tục có những quyết sách hạn chế giao dịch mua bán vàng, trong khi kênh đầu tư chứng khoán khá lình xình trong thời gian dài thì thị trường bất động sản sẽ là kênh tăng trưởng mạnh nhất. Cùng với đó, những dự án nhà thu nhập thấp đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân vẫn phát triển ổn định.

Theo H.Nhựt (TTO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.