“Ghế nóng” doanh nghiệp Việt liên tục biến động nửa đầu năm 2025
Trong lĩnh vực bất động sản, CTCP Phát triển Sunshine Homes (SSH) thu hút sự quan tâm khi ông Đỗ Anh Tuấn bất ngờ rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Dù vậy, ông Tuấn vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Sunshine Group và là cổ đông lớn nhất tại SSH với tỷ lệ sở hữu lên tới 65%.
Tại CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), toàn bộ Ban lãnh đạo, bao gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quang Nghĩa cùng hai thành viên là bà Võ Thị Tường Vy và ông Hoàng Anh Phúc, đã đồng loạt nộp đơn từ nhiệm, đánh dấu bước chuyển giao toàn diện trong bộ máy điều hành của doanh nghiệp này.
Không chỉ bất động sản, nhiều doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cũng chứng kiến việc thay đổi lãnh đạo.
Cuối tháng 2, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ghi nhận sự chuyển giao khi ông Đào Hữu Duy Anh rời vị trí Tổng giám đốc để đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch HĐQT, còn ông Lưu Bách Đạt được bổ nhiệm kế nhiệm.
Công ty TNG cũng chứng kiến Tổng giám đốc Nguyễn Đức Mạnh thôi chức vào tháng 4, và ông Trần Minh Hiếu được bổ nhiệm thay thế.
Tại Angimex – doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của An Giang – ông Nguyễn Hoàng Tiến được bổ nhiệm làm CEO từ ngày 23/4 thay cho ông Lương Đức Tâm – người bị miễn nhiệm với nhiều lý do được đưa ra.
Ngành tài chính – ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này. TPBank chính thức công bố quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc đối với hai lãnh đạo cấp cao: ông Nguyễn Hồng Quân và bà Trương Thị Hoàng Lan, kể từ ngày 26/6. Động thái này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu và kiện toàn bộ máy điều hành của nhà băng.
Sacombank đã thông qua đơn từ nhiệm của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm khỏi vị trí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kể từ ngày 17/6, theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó không lâu, ngày 22/5, HĐQT ngân hàng đã thông qua quyết định thôi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, kết thúc hành trình điều hành kéo dài gần một thập kỷ.
Ba thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đã đồng loạt nộp đơn từ nhiệm chỉ một tuần trước thềm đại hội cổ đông thường niên.
Cụ thể, trong ngày 20/6, TPS xác nhận đã nhận được đơn xin rút khỏi HĐQT của ông Lê Quốc Hùng, ông Tạ Quang Lương và bà Nguyễn Thị Lệ Tùng. Cả ba đều là những gương mặt mới, được bổ nhiệm vào HĐQT từ giữa năm 2024 và có thời gian gắn bó chưa đầy một năm. Lý do từ nhiệm được nêu là “vì lý do cá nhân”.
Tính đến thời điểm hiện tại, TPS có tổng cộng 7 thành viên HĐQT, nhưng đã có 4 người lần lượt xin rút lui. Trước đó vào ngày 18/3, ông Đỗ Anh Tú – Chủ tịch HĐQT – cũng tuyên bố từ nhiệm, chính thức rút khỏi vị trí lãnh đạo cao nhất tại công ty.
Không nằm ngoài cơn sốt này, Bamboo Capital cũng có sự xáo trộn gắt gao tại thượng tầng. Từ tháng 2 đến tháng 5, công ty lần lượt có tới hai vị CEO rời ghế, đầu tiên là ông Nguyễn Tùng Lâm chuyển sang làm cố vấn Chiến lược, rồi ông Hồ Viết Thùy nhường lại vị trí Tổng Giám đốc sau hai tháng, để nhường đường cho ông Phạm Hữu Quốc – cựu Giám đốc Tài chính – tiếp quản từ giữa tháng 5.
Ngay sau đó, tháng 6, ông Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT – cũng xin từ chức để tập trung phát triển mảng năng lượng tái tạo tại BCG Energy.
Mới nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (VPG) vừa ghi nhận biến động lớn về nhân sự cấp cao khi cùng lúc tiếp nhận đơn từ nhiệm của Tổng Giám đốc và hai thành viên Hội đồng Quản trị.
Theo văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ngày 10/7/2025, ông Nguyễn Văn Đức – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT – đã nộp đơn xin rút lui khỏi cả hai vị trí vì lý do cá nhân. Cùng với ông Đức, hai thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Văn Bình và ông Chu Tuấn Anh cũng nộp đơn từ nhiệm với lý do tương tự.
Sự thay đổi nhân sự cấp cao hàng loạt xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một phần là do các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định mới về quản trị công ty, trong đó nhấn mạnh việc tách bạch vai trò giữa Chủ tịch và Tổng giám đốc để đảm bảo minh bạch, tránh xung đột lợi ích.
Mặt khác, các công ty cũng buộc phải làm mới tư duy lãnh đạo nhằm thích ứng với môi trường kinh doanh nhiều rủi ro và thay đổi nhanh chóng. Những người kế nhiệm được kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới, đưa doanh nghiệp trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững.
Với giới đầu tư, những thay đổi trên có thể tạo ra biến động ngắn hạn về giá cổ phiếu, do yếu tố tâm lý hoặc lo ngại mất ổn định tạm thời. Tuy nhiên, ở chiều dài hạn, nếu được triển khai đúng cách và đi kèm với chiến lược rõ ràng, việc tái cấu trúc lãnh đạo có thể giúp doanh nghiệp định hình lại mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả điều hành và khôi phục niềm tin thị trường.
-
Becamex biến động nhân sự cấp cao: Sau Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc thường trực cũng rời ghế
Sau quyết định miễn nhiệm Tổng Giám đốc cách đây chưa đầy 10 ngày, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã: BCM) tiếp tục thay đổi nhân sự cấp cao khi miễn nhiệm ông Giang Quốc Dũng khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc Thường trực từ ngày 3/7/2025.
-
Cắt giảm gần 1.000 nhân sự, đóng hàng loạt phòng giao dịch: Điều gì đang diễn ra ở Sacombank?
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) vừa thông báo chấm dứt hoạt động của 5 phòng giao dịch tại TP.HCM từ ngày 30/6/2025.
-
Techcombank biến động nhân sự cấp cao, chia tay một trong những lãnh đạo kỳ cựu
Ngày 26/6, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) công bố quyết định miễn nhiệm ông Phan Thanh Sơn khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc sau 15 năm gắn bó.







