UBND thành phố cho biết, trong năm tới Hà Nội sẽ tiếp tục tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012.
Số liệu trên vừa được UBND thành phố Hà Nội báo cáo Hội đồng Nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ 6, khóa 14, khai mạc sáng nay (3/12).
GDP năm 2012 đạt 8,1%
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô trong năm 2012, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, mặc dù GDP năm 2012 của thành phố không đạt như kế hoạch đề ra nhưng xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và cao gấp 1,55 lần so với mức tăng của cả nước.
Cụ thể, theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, GDP năm 2012 là 10 - 10,5%, còn mức cùng kỳ các năm 2010, 2011 tương ứng là 11,07% và 10,14%. Riêng GDP quý 1, 2, 3/2012 tương ứng tăng 7,3% và 7,9% và 8,5%.
Theo lãnh đạo thành phố, để đạt được mức tăng như vậy chủ yếu do ngành dịch vụ tăng cao hơn mức trung bình và xu thế tăng dần qua các quý. Nông nghiệp sang quý 3 và 4/2012 đã dần phục hồi, trong khi công nghiệp – xây dựng giảm dần tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng dịch vụ cả năm đạt 9,3%, công nghiệp - xây dựng 7,7%, nông - lâm - thuỷ sản 0,4%.
Đáng chú ý, tỷ lệ sản phẩm tồn kho của ngành xây dựng, công nghiệp vẫn ở mức cao, trong đó sản lượng của 14/21 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có xu hướng giảm qua các tháng. Có 9 sản phẩm suy giảm trên 10%, trong đó, 3 sản phẩm giảm tới trên 40%, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 5,1% - chỉ bằng 79,2% mức của năm 2011 và 49% của năm 2010. Ngành xây dựng tiếp tục khó khăn, nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị trên địa bàn tạm dừng hoặc giãn tiến độ thực hiện do thị trường bất động sản trầm lắng và suy giảm kinh tế.
Tuy nhiên, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn song hoạt động du lịch duy trì phát triển. Tổng lượng khách lưu trú tại Hà Nội ước đạt 7,7 triệu lượt, tăng 6,5% so với năm 2011; trong đó, khách quốc tế 1,6 triệu lượt, tăng 27,4%; khách nội địa 6,1 triệu lượt, tăng 2,2%.
Xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tăng khá, đạt 9%, cao nhất trong các khu vực kinh tế, khu vực ngoài Nhà nước tăng 3,6%, khu vực Nhà nước tăng 2,6%.
Nhập khẩu quý 4/2012 của Hà Nội tiếp tục giảm ở tất cả các khu vực kinh tế. Kim ngạch nhập khẩu quý 4/2012 giảm 13% (quý 3 tăng 1,8%); trong đó, nhập khẩu địa phương giảm 10,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn năm 2012 ước đạt 23.565 triệu USD, giảm 7% so với năm 2011, nhập khẩu địa phương đạt 9.876 triệu USD, giảm 2,6%.
Tính cả năm, nhập khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng 0,7%, trong khi khu vực ngoài Nhà nước giảm 7%; khu vực Nhà nước giảm 9,3%.
Hơn 12.500 doanh nghiệp giải thể
Báo cáo của UBND thành phố cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đăng ký kinh doanh giảm so với năm 2011. Dự kiến đến hết năm 2012 có 250 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký là 932 triệu USD, bằng 69% so với năm 2011. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt 750 triệu USD (tăng 15% so với năm 2011). Đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư của 5 dự án và chuyển đổi dự án 100% vốn trong nước cho 3 dự án lớn.
Trong tổng số 2.460 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiện nay, có 1.964 dự án (chiếm 76%) còn hiệu lực đang hoạt động sản xuất kinh doanh, với vốn đầu tư đăng ký 21,9 tỷ USD, vốn thực hiện được khoảng 9,95 tỷ USD; luỹ kế vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực giảm 1,8 tỷ USD.
Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh giảm đáng kể. Ước cả năm 2012 có 15.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 83.000 tỷ đồng, bằng 90% về số doanh nghiệp và 70% về vốn đăng ký so với năm 2011.
Tính đến hết 9 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 12.542 (bằng 11,4% số doanh nghiệp đang hoạt động). Số doanh nghiệp có phát sinh thuế VAT ở mức thấp. Trong 9 tháng đầu năm, chỉ có 17,5% tờ khai có phát sinh thuế VAT nộp ngân sách với số thuế phát sinh 14.341 tỷ đồng.
Lĩnh vực xuất khẩu của thành phố trong quý 4/2012 ước tăng 6,6%, trong khi quý 3 giảm 0,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn cả năm 2012 ước đạt 10.304 triệu USD, tăng 5,3% nhưng không đạt kế hoạch; trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 6,8%.
Báo cáo về mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội trong năm 2013, UBND thành phố cho biết, trong năm tới Hà Nội sẽ tiếp tục tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012.
Cụ thể, thành phố phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2013 tăng 8 - 8,5%; trong đó, dịch vụ 9 - 9,3%, công nghiệp - xây dựng 7,7-8,2%, nông nghiệp 1,8-2,2%.
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 6 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa 14 sẽ kéo dài trong 4 ngày (từ 3 -7/12), trong đó các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và thông qua một số vấn đề về kinh tế xã hội, giá đất, tổng biên chế hành chính sự nghiệp, quy hoạch công nghệ thông tin...
Đặc biệt, Hội đồng Nhân dân thành phố cũng sẽ dành trọn một ngày để các đại biểu chất vấn lãnh đạo thành phố về các vấn đề mà cử tri thành phố quan tâm, bức xúc.