CafeLand - Tăng trưởng chín tháng đầu năm 2019 đạt được kết quả ngoài dự đoán của chuyên gia và các tổ chức tài chính. Nhận định về con số tăng trưởng vượt bậc này, Bộ KH&ĐT cho rằng đây là động lực cho tăng trưởng quý 4 và cả năm 2019.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019, trả lời câu hỏi tăng trưởng GDP quý 3-2019 là 7,31% - mức cao nhất trong vòng 9 năm qua, liệu có phải là tăng trưởng nóng? Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung nhận định: Đây là mức tăng trưởng hoàn toàn phù hợp.

Theo ông Trung, những động lực tăng trưởng rất rõ từ khu vực công nghiệp và xây dựng, đặc biệt là công nghiệp công nghệ chế tạo, khu vực dịch vụ. Cùng với đó, trong điều kiện căng thẳng thương mại lớn mà kết quả xuất khẩu Việt Nam đạt rất cao 194 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng 8,2%, đầu tư xã hội tăng 10,3%.

Ông Nguyễn Đức Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT

“Đây là các chỉ số rất quan trọng, khẳng định kết quả tăng trưởng này hoàn toàn phù hợp”, ông Trung nhấn mạnh.

Nếu so với tăng trưởng các quý gần đây: quý 3-2016 tăng 6,56%, quý 2-2017 tăng 7,38%, quý 3-2018 tăng 6,82%, thì có thể thấy quý 3 năm nay không có gì là đột biến.

Theo ông Trung, từ nay đến cuối năm, động lực duy trì tăng trưởng chủ yếu đến từ các khu vực công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế tạo, dịch vụ. Cùng với tình hình giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện tốt hơn sẽ góp phần tác động vào tăng trưởng những tháng cuối năm.

“Chúng tôi tin rằng với kết quả của việc Chính phủ tích cực tạo các điều kiện, giải pháp thì tăng trưởng quý 4 và cả năm 2019 cơ bản sẽ đạt và vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra 6,8%”, ông Trung nói.

Những kết quả nổi bật

Chia sẻ tại phiên họp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ rõ 10 kết quả nổi bật trong chín tháng đầu năm nay.

Thứ nhất là tốc độ tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất trong chín năm trở lại đây. Đây là dấu hiệu rất tích cực, trong đó nông nghiệp tăng 2,02%, công nghiệp tăng 9,36%, dịch vụ tăng 6,85%.

Thứ hai, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chín tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong ba năm qua.

Thứ ba, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, nhất là khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỉ USD, tăng 7,3%.

Vốn FDI thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 9,8 tỉ USD; 11 tỉ USD; 12,5 tỉ USD; 13,3 tỉ USD; 9 tháng của năm 2019 đạt 14,2 tỉ USD.

Thứ tư, thu ngân sách Nhà nước tăng cao (10,1%), có 8/12 khoản thu và nhóm các khoản thu nội địa đạt khá, thu nội địa đạt 70,3%.

Thứ năm, trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 190 tỉ USD. Xuất siêu lớn, ước đạt 5,9 tỉ USD.

Ngành công nghiệp có bước tăng trưởng khá, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế. Thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, là một điểm sáng của ngành nông nghiệp. Tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Khách du lịch quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với khoảng 102.000 doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký). Bên cạnh đó, còn có 27.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Cùng với những kết quả nổi bật, Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, thách thức cần khắc phục trong những tháng cuối năm.

Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm, không có nhiều chuyển biến (mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt 50,93%); sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tình trạng lừa đảo qua mạng, làm giả thẻ ATM, cho vay nặng lãi... gây bức xúc trong nhân dân.

ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 ở mức 6,8%. Standard Chartered đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021.
  • WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu

    WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu

    CafeLand - Trong báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm nay. Mức tăng này đã giảm mạnh so với ước tính đưa ra hồi tháng 4 là 2,6% và hồi năm 2018 là 3%.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.