Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (13/12) sau khi đánh giá lại GDP. Theo Tổng cục Thống kê, mục đích của việc đánh giá lại quy mô GDP có ảnh hưởng khá lớn tới việc hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Quy mô GDP 2010 - 2017 sau đánh giá lại. Đơn vị tính: nghìn tỷ đồng
Với tỷ lệ tăng 25,4% GDP, tổng giá trị của nền kinh tế đã tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, cả 3 lĩnh vực của kinh tế đều tăng sau khi đánh giá lại, trong đó quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng khá lớn.
Riêng lĩnh vực dịch vụ tăng hơn 39% so với số liệu đã công bố trước đây. Việc tăng thêm giá trị của các lĩnh vực kinh tế này đã làm thay đổi cơ cấu GDP, phản ánh rõ xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Tốc độ tăng GDP hàng năm trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hàng năm, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm.
Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi. Trong đó, tích lũy tài sản bình quân mỗi năm tăng gần 29%, tổng thu nhập quốc gia tăng 27%, GDP bình quân trên đầu người có tỷ lệ tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm. Một số chỉ tiêu vĩ mô quan trọng như tỷ lệ nợ công so với GDP đến cuối năm 2017 giảm xuống còn 48,8%; tỷ lệ bội chi ngân sách còn 2,8%; tỷ lệ chi ngân sách so với GDP còn 21,5%...
Theo Tổng cục Thống kê, có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm làm tăng GDP. Tác động lớn nhất là việc bổ sung thông tin từ tổng điều tra, làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng thêm 589.000 tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng. Đứng thứ hai là bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính, giúp GDP tăng bình quân 305.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2010-2017, chiếm 32,6% mức tăng bình quân.