11/05/2016 10:35 PM
Trong bối cảnh tích cực của thị trường BĐS hiện tại, điều dễ nhận ra là rất nhiều dự án thương mại được tái khởi động, rầm rộ triển khai trở lại sau thời gian dài “nằm yên”. Rõ nhất, ở Hà Nội, khu vực phía Tây (địa bàn Nam – Bắc Từ Liêm) hay phía Tây Nam (quận Hà Đông) ghi nhận nhiều tổ hợp được ra đời hoặc tái sinh mạnh mẽ.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế ở Hà Nội được nhà quản lý chỉ ra mới đây là tình trạng chậm triển khai kéo dài, xây thô rồi bỏ hoang. Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng với nhiều ắội dung đáng chú ý.

Tăng mức phạt hành chính

Kết quả giám sát mới đây (tháng 8/2015) về tình trạng sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao, cho thuê đất (để thực hiện dự án) trên địa bàn Hà Nội cho thấy hơn 200 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liên tục kể từ khi được bàn giao trên thực địa. Có tới 172 dự án chậm tiến độ thực hiện hơn 24 tháng; 72 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (số tiền hơn 4.700 tỷ đồng).

Nguyên nhân dẫn tới các dự án chậm tiến độ, được Sở Xây dựng chỉ ra tựu trung ở tình trạng bị đình chỉ thi công vì “vướng” trong khâu hoàn thiện hồ sơ pháp lý, nguồn vốn, năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Thậm chí, cơ quan Thuế Hà Nội cũng nhiều lần đăng tải công khai hàng loạt DN nợ đọng nghĩa vụ tài chính, thuế phí kéo dài (bao gồm cả nợ tiền thuê đất) lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử thời gian trong năm 2015 tới nay, ở trung tâm nội đô, là một số điển hình như chủ đầu tư Diamond Flower (Lê Văn Lương), dự án KĐT Phú Lương, dự án Scitech 304 Hồ Tùng Mậu…

Trước đòi hỏi bức thiết về đảm bảo trật tự kỷ cương trong đầu tư xây dựng, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp của thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Điểm một số nội dung đáng chú ý mà Cơ quan soạn thảo đưa ra đã cho thấy chế tài tương ứng với các vi phạm phổ biến đã nghiêm ngặt hơn. Đơn cử, hành vi không làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ hoặc không cung cấp hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan cho người mua, thuê mua nhà ở sẽ bị phạt ở mức 120 – 150 triệu đồng. Trong trường hợp chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Dự thảo đề xuất mức phạt tối đa là 150 triệu đồng.

Mức phạt hành chính tối đa tới 300 triệu đồng sẽ “dành” cho chủ đầu tư bàn giao nhà khi chưa kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, hoặc bàn giao nhà, công trình khi chưa hoàn thành việc xây dựng theo tiến độ ghi trong dự án được phê duyệt…

Được biết, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 121/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở) trước khi trình Chính phủ trong thời gian tới.

Nhiều dự án đang được tái sinh mạnh mẽ

Đã đủ răn đe?

Thực chất, mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS đã được thể hiện qua nhiều đạo luật, chính sách, quyết định do Nhà nước, bộ ngành liên quan cũng như chính quyền các cấp ban hành.

Ở mức độ quản lý vĩ mô, mới đây là Nghị định 121/2013/NĐ-CP (được ban hành thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP) nằm trong kế hoạch triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, để hoàn chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện, Nghị định 121/2013/NĐ-CP đang được Bộ Xây dựng (Chính phủ giao chủ trì) sửa đổi, bổ sung một số điều khoản… Ở góc độ DN, xuất hiện một số ý kiến cho rằng cần thiết Thông tư xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng được cụ thể hóa, bóc tách từng cấp độ, quy mô, mức vi phạm – theo đó, sẽ có các chế tài phù hợp với thực tế và mang tính răn đe tương ứng.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc công ty TNHH BĐS và dịch vụ địa chính Hà Nội (Hanoi Land), cho rằng điều này phụ thuộc vào mức độ vi phạm của chủ đầu tư cũng như quy mô dự án vi phạm. Nếu dự án tòa nhà A vi phạm chỉ ở quy mô 10-12 căn tầng, mỗi tầng 6 căn hộ thì có tổng cộng chừng 600 căn hộ. Trong khi đó, dự án B cao 30-40 tầng, mỗi tầng 20 căn hộ thì mức độ vi phạm hoàn toàn khác nhau.

“Không rõ, khi Thông tư ra đời có nêu rõ quy mô vi phạm đến đâu thì mức chế tài xử phạt sẽ thế nào hay không? Bóc tách chi tiết mức độ vi phạm và đưa vào Thông tư sẽ là công việc rất khó đối với cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Tùng băn khoăn.

Theo ông Tùng, nếu áp dụng đúng các mức xử phạt hành chính nêu trong Dự thảo Thông tư, thì với nhiều chủ đầu tư, chế tài chỉ mang tính…tượng trưng (!) vì chủ đầu tư chỉ cần thu 30% tiền bán một căn hộ (trung bình khoảng 60m2, 20-25 triệu đồng/m2) là đủ nộp cho tất cả các loại phạt.

Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.