31/07/2018 8:02 PM
CafeLand - Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý nợ (VAMC), sắp tới VAMC sẽ mở thêm văn phòng tại TP. HCM để “nối dài cánh tay” xử lý nợ xấu vì 2/3 số nợ xấu tại VAMC đang nằm ở đây.

Một trong những mục tiêu lớn của VAMC là đến năm 2020 mua được 330.000 tỷ đồng nợ xấu và xử lý được cơ bản 20.000 tỷ đồng nợ xấu theo cơ chế thị trường. Ông Nguyễn Tiến Đông đã có buổi trao đổi trực tiếp với báo chí để chia sẻ những khó khăn của tổ chức này thời gian qua và đề xuất phương án xử lý nợ xấu còn tồn đọng và mua mới trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC

Không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, vậy VAMC sẽ làm gì để có thể xử lý nợ xấu trong thời gian tới, thưa ông?

Trước hết phải khẳng định lại, những kết quả mà chúng tôi đạt được sau 5 năm hoạt động, đã khẳng định sự đúng đắn của Chính phủ trong việc lựa chọn mô hình xử lý nợ xấu qua VAMC. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu như kỳ vọng, thời gian tới, điều đầu tiên cần phải làm rốt ráo đó là sắp xếp lại mô hình tổ chức bộ máy theo đề án nâng cao năng lực của VAMC đã được Thủ tướng giao cho Thống đốc phê duyệt.

Bên cạnh việc sắp xếp lại các phòng ban nghiệp vụ, VAMC sẽ mở thêm chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh để xử lý nhanh và hiệu quả hơn các vụ việc. Vì hiện nay 2/3 tài sản bảo đảm nợ xấu ở trong khu vực này. Chi nhánh này như là cánh tay nối dài xử lý các công việc cụ thể giúp cho trụ sở chính.

Trong năm 2018, VAMC sẽ tập trung đánh giá, phân loại những khoản nợ xấu đã mua và đang quản lý. Chúng tôi sẽ tập trung xử lý các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên thay vì 30 tỷ đồng như năm ngoái. Trên cơ sở đó, VAMC sẽ đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu để có hướng xử lý phù hợp như: khoản nào cơ cấu nợ, khoản nào miễn giảm lãi, hay xử lý thông qua mua bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm, khoản nào phải ra tòa, phải thi hành án; phối hợp với các bên liên quan ra sao...

Dự kiến trong năm 2018 và các năm sắp tới, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt, chuyển dần sang hình thức mua đứt bán đoạn theo cơ chế thị trường. Muốn làm được điều đó bắt buộc phải minh bạch nợ xấu.

“Minh bạch nợ xấu” ở đây là theo hướng nào, thưa ông?

Cụ thể, ban Công nghệ Thông tin của VAMC đang triển khai phần mềm mua bán nợ theo thị trường trên cơ sở bổ sung thông tin, xây dựng các hệ thống dữ liệu về nợ xấu. Khi công khai thông tin ai quan tâm đến nợ xấu thì có thể vào đó tìm hiểu giao dịch trên cơ sở thuận mua vừa bán.

Đây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài của cả khu vực trong nước lẫn nước ngoài tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu, M&A, tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nợ xấu… Theo hướng đó, VAMC đặt mục tiêu sẽ là cầm chịch đối với thị trường mua bán nợ xấu và là trung tâm mua bán nợ xấu của nền kinh tế, ngành ngân hàng. Tuy nhiên, để hình thành thị trường mua bán nợ còn cần làm rất nhiều việc.

Cụ thể những việc cần làm sắp tới để hình thành thị trường mua bán nợ là gì, thưa ông?

Trước mắt, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 và hoạt động mua, bán, xử lý nợ, VAMC đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các vấn đề đang gây cản trở quá trình này. Đó là Bộ Tài chính có hướng dẫn việc thực hiện thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân trong trường hợp chuyển nhượng tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, bảo đảm tính thực thi cho quy định về “Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm”, bảo đảm quyền lợi của bên mua tài sản bảo đảm.

Về phía Bộ Tài nguyên Môi trường cần sớm ban hành quy định bổ sung hướng dẫn đối với quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là TSBĐ cho các khoản nợ mà các tổ chức, cá nhân mua lại từ VAMC theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 42.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Trong đó, đề nghị giữ nguyên nội dung về việc ghi nhận Hợp đồng mua bán nợ là tài liệu chứng minh nội dung thay đổi (như đang quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 24 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT).

VAMC cũng đề nghị ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 5.000 tỷ đồng đến hết năm 2018 và mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020 theo đề án Cơ cấu lại các hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 để có đủ nguồn lực tài chính cần thiết xử lý nhanh, hiệu quả nợ xấu.

Xin cảm ơn ông!

Nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30/6/2018 đạt 310.517 nghìn tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2017, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2016, hoàn thành 140% kế hoạch được giao.
  • VAMC giúp các ngân hàng giảm được hơn 300 nghìn tỷ nợ xấu

    VAMC giúp các ngân hàng giảm được hơn 300 nghìn tỷ nợ xấu

    CafeLand - Theo báo cáo mới đây của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết có đến tính đền ngày 30/6/2018 có tới 310.517 nợ xấu được xử lý qua VAMC. Đặc biệt, trong năm 2017, tổ chức này đã thu hồi được 30.852 tỷ đồng nợ xấu.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.