Tiêu thụ nội địa ổn định
Năm 2018, thị trường bất động sản phát triển khá ổn định, nhiều dự án được triển khai và giải ngân tốt nên ngành xi măng được hưởng lợi. Nhiều dự án đầu tư công (giao thông, thủy lợi, hạ tầng…) được triển khai nên thị trường nội địa tăng trưởng tốt.
Hiện cả nước có 82 dây chuyền sản xuất xi măng với công suất thiết kế trên 90 triệu tấn. Nhưng sản xuất và tiêu thụ gần 100 triệu tấn, chạy vượt công suất thiết kế gần 10%.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) trong năm 2018, sản phẩm xi măng tiêu thụ đạt khoảng 96,73 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2017. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 65,08 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2017.
Lượng tồn kho sản phẩm xi măng cả nước trong năm 2018 chỉ còn khoảng 1,7 triệu tấn tương đương từ 10-12 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Xuất khẩu bứt phá
Trong khi đó, lượng xi măng xuất khẩu trong năm 2018 đạt khoảng 31,65 triệu tấn, đạt sản lượng xuất khẩu lớn nhất từ trước tới nay và tăng tới 55% so với năm 2017. Giá trị xuất khẩu xi măng đạt hơn 1 tỉ USD, đưa ngành xi măng vào danh mục những nhóm hàng xuất khẩu hàng tỉ USD.
Hiện nay, sản phẩm xi măng Việt Nam đã có mặt tại thị trường trên 40 nước. Giá xuất khẩu xi măng năm 2018 đạt trên dưới 50 USD/tấn và clinker từ 38-42 USD (giá xuất khẩu clinker tăng khoảng 10 USD/tấn so với năm 2016).
Lý giải về những con số ấn tượng trong xuất khẩu sản phẩm xi măng, các chuyên gia cho rằng, do Trung Quốc là nước xuất khẩu xi măng đứng đầu thế giới đã trở thành nước nhập khẩu xi măng và clinker. Điều này đã làm giảm áp lực cạnh tranh, tăng thị phần xuất khẩu cho Việt Nam và các nước còn lại. Cùng với đó, Trung Quốc xuất khẩu giá rẻ nên khi họ ngừng xuất khẩu sẽ đẩy giá lên, kích thích các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, giảm chi phí giá thành, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của xi măng và clinker tại thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, xuất khẩu xi măng là con dao hai lưỡi, bởi trước mắt có thể giải tỏa năng lực sản xuất trong nước, nhưng về lâu dài, đây không phải là giải pháp bền vững. Xi măng là ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, xuất khẩu nhiều sẽ làm cạn kiệt tài nguyên, nhất là trong bối cảnh bị ép giá, lợi nhuận không lớn.
Cần chủ động hơn
Đánh giá về tình hình sản xuất tiêu thụ xi măng năm 2019, Bộ Xây dựng cho rằng năm 2019 tình hình kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi được Chính phủ quan tâm, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhu cầu xây dựng của người dân còn nhiều.
Dự báo về tiêu thụ sản phẩm xi măng trong năm 2019, Hiệp hội xi măng Việt Nam kỳ vọng thị trường nội địa sẽ tăng khoảng 6-8% so với năm 2018; xuất khẩu sản phẩm xi măng trong năm 2019 vẫn có thể đạt sản lượng từ 20-25 triệu tấn.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Xi măng cũng khuyến cáo, hiện nay thông tin về thị trường xi măng Trung Quốc còn thiếu thông tin chính thống, ảnh hưởng đến công tác dự báo nhu cầu của thị trường này. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xi măng cần chủ động theo sát diễn biến của thị trường xi măng Trung Quốc và thế giới,dự báo nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp với thực tế trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, bất cập lớn nhất của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam là năng suất lao động thấp, nhiều dây chuyền công suất nhỏ, trình độ công nghệ không tiên tiến, giá thành chi phí sản xuất cao và những yếu tố liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ của ngành xi măng thế giới phát triển rất nhanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm xi măng cần sớm khắc phục những bất cập này, có chiến lược đầu tư, đầu tư có kế hoạch, không ồ ạt, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu nhằm không ngừng cải thiện công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.