Thực tế gạch không nung đã được dùng phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam, với 25 tỷ viên gạch xây tiêu thụ mỗi năm, chỉ có 10% là gạch không nung. Còn lại vẫn kiên trì với 90% sử dụng gạch đất nung truyền thống và những làng ung thư, mắc bệnh vì lò gạch nung là hậu quả của điều này.
Sản xuất gạch không nung. Ảnh: Diễn đàn Nhà báo môi trường
Không chỉ có nhiềm ưu điểm về mặt kỹ thuật, ông Lê Văn Tới, vụ trưởng Vụ VLXD còn cho biết: “Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng không nung giảm thiểu rất nhiều sự ô nhiễm môi trường trong khi tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu rẻ tiền hiện có tại các vùng miền và tạo ra được nhiều loại VLXD có giá thành thấp”.
Tuy có nhiều ưu điểm vượt trội so với gạch đất nung nhưng gạch không nung vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường, ông Quách Đại Hoàn, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty CP SX & TM Vật liệu xây dựng Xanh cho rằng, hiện đang thiếu hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho loại gạch này.
Theo ông Đoàn Văn Vẽ, chủ tịch DmC Group, chính thói quen sử dụng của người dân và giá thành rất rẻ của gạch đất nung là hai yếu tố quan trọng cản trở gạch không nung đi vào thị trường một cách sâu rộng.
Việc phát triển vật liệu không nung là một hướng đi tất yếu, điều này phù hợp với chủ trương của Nhà nước cũng như đòi hỏi của thị trường và xã hội. Việc phát triển vật liệu không nung đang là một đề tài thu hút được sự quan tâm từ nhiều phía. Trong tương lai ngắn, loại vật liệu này sẽ phát triển mạnh dựa trên chính những ưu thế nội tại so với vật liệu nung.
Những con số khủng khiếp từ việc sản xuất gạch đất nung: Nếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ 42 triệu viên gạch năm 2010 bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57 đến 60 triệu m3 đất sét, tương đương với 2.800 – 3.000 ha đất nông nghiệp; tiêu tốn từ 5,3 – 5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. |