Với những người ủng hộ thắt chặt tiền tệ như Chủ tịch FED St Louis - James Bullard, kinh tế Mỹ đã sẵn sàng hơn bao giờ hết cho việc nâng lãi suất lần đầu trong gần một thập kỷ. Trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 8, ông nhận xét " thị trường lao động tăng trưởng rất mạnh và hy vọng GDP cũng vậy".
Nhưng liệu tất cả quan chức khác trong Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có nghĩ như ông hay không? Ngày 16-17/9 tới sẽ là phiên họp được chờ đợi nhất từ khi bà Janet Yellen tiếp nhận chiếc ghế Chủ tịch FED năm ngoái.
Bà từng cho biết năm nay là thời điểm "phù hợp" để nâng lãi suất, không phải tháng 9 thì cũng là một tháng khác. Tuy nhiên, quan chức FED đang phải phân tích một bức tranh rất phức tạp.
Tại Mỹ, rất nhiều chỉ số, như doanh số bán ôtô hay giá bất động sản, đang tăng vọt. Tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống thấp kỷ lục và các công ty cũng đang tăng cường tuyển dụng.
Tuy nhiên, bóng ma lạm phát thấp vẫn đang lơ lửng trên đầu các nền kinh tế mới nổi, các thị trường tài chính vẫn đang rung lắc và hãng xuất khẩu Mỹ vẫn đang chật vật vì đồng đôla mạnh. Một khảo sát của FED cũng cho thấy lạm phát tại Mỹ hầu như không nhích lên, trong khi lương nhân công vẫn chưa tăng.
Bà Janet Yellen đang đau đầu với vấn đề tăng lãi suất. Ảnh: IBTimes
Peter Bowe – Giám đốc một nhà máy 130 tuổi tại Maryland cho biết tăng lãi sẽ là liều thuốc đắng với anh. Chi phí đi vay của các khách hàng công ty ông sẽ tăng. Đồng đôla mạnh chưa bao giờ được những hãng xuất khẩu như ông chào đón.
Dù vậy, kinh tế Mỹ tăng trưởng ấn tượng cũng khiến doanh thu công ty ông đi lên. Lần đầu tiên trong một thập kỷ, doanh thu từ quê nhà của họ tăng vượt các thị trường mới nổi.
Rick Rieder – Giám đốc Công cụ đầu tư trả lãi cố định tại BlackRock thì cho rằng các chỉ số của Mỹ đều đang phát tín hiệu FED cần hành động. Ông cho rằng mối lo hiện tại là thị trường tài chính bị bóp méo do lãi suất quá thấp, khiến nợ doanh nghiệp tăng, hơn là lạm phát không tăng tốc.
"Trong một thế giới mà tăng trưởng toàn cầu chưa đạt mức thỏa mãn, Mỹ đang thể hiện rất tốt. FED đã có thể tăng lãi suất từ tháng 3 rồi, chứ đừng nói là tháng 9", ông nói.
Tuy nhiên, vấn đề là thị trường sẽ phản ứng ra sao với quyết định của FED, Torsten Slok - nhà kinh tế học tại Deutsche Bank cho biết. Việc này rất khó dự đoán, và các thị trường sẽ đặt nặng tầm quan trọng của lần tăng đầu tiên hơn. Nếu nhà đầu tư cho rằng các lần tăng sau đều mạnh, thị trường thế giới và kinh tế Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo rủi ro suy giảm toàn cầu do bất ổn tại Trung Quốc. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn đang không mấy tin tưởng FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 9. Tăng trưởng toàn cầu đang gặp nguy hiểm và giá hàng hóa cũng đi xuống, có nghĩa kinh tế Mỹ sẽ càng bị kéo tụt trong bối cảnh lạm phát thường xuyên dưới dự báo.
Nỗi lo sợ về những hậu quả chưa thể đoán trước chính là lý do vì sao FED đang chịu sức ép từ các chính trị gia rằng nên hoãn tăng lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh lương nhân công tại Mỹ chưa tăng. Dawn O’Neal - một trợ giảng với mức lương 8,5 USD mỗi giờ, đã tham gia một cuộc biểu tình tháng trước, kêu gọi giữ nguyên lãi suất gần 0% do lương hàng triệu người dân Mỹ vẫn chưa tăng.
"Cuộc sống của chúng tôi đang rất khó khăn, chẳng thể nào duy trì nổi thu nhập cho đến cuối tháng. Nếu FED nâng lãi suất, tương lai của chúng tôi sẽ thế nào?", cô nói.
Theo mô hình kinh tế của FED, Mỹ đang đạt mốc tối đa về lao động, và lương cũng như lãi suất chắc chắn sẽ tăng theo. Nhưng cân bằng những chỉ số đang mâu thuẫn này sẽ là điều cực kỳ khó khăn.
Phó chủ tịch FED - Stanley Fischer cũng kêu gọi hành động tại các cuộc họp trước đây. Ông cho rằng nếu giới chức đợi đến khi có quá nhiều yếu tố hỗ trợ tăng lãi suất, tình hình đã trở nên quá muộn rồi.