Sự sụt giảm nghiêm trọng sẽ đẩy vốn FDI toàn cầu xuống dưới 1.000 tỉ USD (880 tỉ euro) lần đầu tiên kể từ năm 2005, Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2020 của UNCTAD cho biết.
Báo cáo giả định rằng sự bùng phát dịch bệnh sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2021 và dự kiến dòng vốn FDI sẽ giảm thêm 5-10% trong năm tới.
Các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất về vốn đầu tư nước ngoài vì họ phụ thuộc nhiều vào đầu tư chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành công nghiệp khai thác đã bị ảnh hưởng nặng nề, vì không thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế giống như các nền kinh tế phát triển.
James Zhan, Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD, đồng thời là tác giả chính của Báo cáo Đầu tư thế giới, cho biết khoảng 5.000 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, chiếm phần lớn vốn FDI toàn cầu, dự báo thu nhập năm 2020 sẽ giảm khoảng 40%.
Lợi nhuận thấp hơn sẽ làm tê liệt khả năng tái đầu tư của các công ty cho mục đích tăng trưởng. Thu nhập tái đầu tư trung bình chiếm hơn một nửa dòng vốn FDI toàn cầu.
Hoạt động mua bán sáp nhập đầu tư dự án xuyên biên giới (M&A) đã giảm hơn 50% trong những tháng đầu năm 2020 so với năm ngoái, báo cáo cho biết.
Đại dịch đã gây ra cú sốc cung cầu và chính sách, cú sốc cho FDI, ông Zhan nói.
Trong khi GDP toàn cầu giảm đang gây thiệt hại cho các khoản đầu tư mới, việc đóng cửa các nền kinh tế và gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang làm chậm các dự án đầu tư hiện tại. Dòng vốn FDI cũng đang bị ảnh hưởng vì các chính sách hạn chế đang được các nước áp dụng.
Hàng chục quốc gia, bao gồm Mỹ và Đức, đã thắt chặt các cơ chế sàng lọc đầu tư nước ngoài để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự thâu tóm của nước ngoài.
UNCTAD hy vọng dòng vốn FDI toàn cầu sẽ phục hồi từ từ năm 2022 khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại và các công ty tìm cách làm cho chuỗi cung ứng của họ trở nên linh hoạt hơn. Song ông Zhan cảnh báo triển vọng là " không chắc chắn", rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào thời gian xảy ra đại dịch và hiệu quả của các biện pháp tài chính và tiền tệ được đưa ra.
Nhiều nước bị ảnh hưởng nặng
Châu Á, điểm đến lớn nhất của đầu tư nước ngoài có dòng vốn FDI giảm 30-45% vào năm 2020. Các nền kinh tế châu Á như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan, đã thu hút vốn FDI kỷ lục trong những năm gần đây trong bối cảnh ma sát thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vốn đầu tư vào Mỹ Latinh và Caribê dự kiến sẽ giảm một nửa trong năm 2020 do sự hỗn loạn chính trị cộng với virus corona và các điểm yếu về cấu trúc ở một số nền kinh tế đè nặng lên tâm lý đầu tư.
Dòng vốn FDI vào các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm từ 25-40%, chủ yếu bị tổn thương do lợi nhuận doanh nghiệp giảm.
Châu Phi chứng kiến đầu tư nước ngoài giảm 10% trong năm ngoái và dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn vào năm 2020. Dòng vốn FDI đến lục địa này được dự báo sẽ co lại từ 25-40%, tương đương 25-35 tỉ USD trong năm nay.