30/04/2016 10:30 AM
CafeLand – Đại diện Eximbank vừa cho biết, không có chuyện ngân hàng gọi vốn đầu tư dự án Tháp Eximbank mà đang đi tìm phương án để phát triển nó thành một trụ sở. Ngân hàng cũng khẳng định là không đầu tư vào để phát triển hoạt động kinh doanh tại đây. Đó là khẳng định của ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank khi trao đổi với chúng tôi.

Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank trả lời báo chí bên lề Đại hội ngày 29/4. Ảnh: NĐH

Theo ông Tùng, một trong những vấn đề tồn đọng rất lâu của Eximbank là việc xây Tháp Eximbank làm trụ sở tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM. Trong Đại hội lần này, HĐQT cũng đã đưa ra tờ trình gồm một số kiến nghị để trình cổ đông quyết định liên quan đến việc xây dự án. Tuy nhiên, rất tiếc là đại hội cổ đông lần này không thể diễn ra và tờ trình đó cũng không được đưa ra để biểu quyết.

“Chúng tôi mong muốn việc xây dự án làm trụ sở chính sẽ là một phương án hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất cho Eximbank. Đồng thời, nó cũng tạo ra một vị trí, hình ảnh cho ngân hàng trong một giai đoạn mới” ông Tùng cho biết thêm về mục đích xây Tháp.

Trả lời câu hỏi của Phóng viên CafeLand về việc hiện tại Eximbank đã nhắm tới nhà đầu tư nào để hợp tác đầu tư dự án này hay chưa, ông Tùng nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc của Eximbank từ nay về sau là tất cả các quy trình phải thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng. Ngân hàng không bao giờ xác định một đối tác, nhà đầu tư nào nếu không qua giai đoạn kiểm soát. Bởi vì, một trong những điều quan trọng nhất hiện nay của Eximbank là chấn chỉnh hoạt động và quản trị rủi ro trong tất cả mọi quyết định kinh doanh.

Ông Tùng cũng khẳng định rằng, ngân hàng không kêu gọi vốn đầu tư trong việc xây Tháp Eximbank. “Chúng tôi không phải là kêu gọi đầu tư mà đang đi tìm phương án để phát triển nó thành một trụ sở. Eximbank không đầu tư vào để phát triển bất cứ hoạt động kinh doanh nào tại đây”, ông nói.

Về việc tại sao dự án ban đầu có chức năng xây dựng là một tòa nhà văn phòng và căn hộ nhưng sau này lại có điều chỉnh bỏ chức năng căn hộ, chỉ giữ lại chức năng văn phòng, ông Tùng cho biết “thực ra chúng tôi chỉ là những nhà quản trị chứ không phải kinh doanh bất động sản nên mọi quyết định đều phải dựa trên các ý kiến của các chuyên gia phân tích, làm sao để mang tính hiệu quả nhất cho Eximbank.

Ông cũng nói thêm, đây là quá trình sắp tới mà chúng tôi sẽ phải làm, các chuyên gia sẽ phân tích là sử dụng diện tích bao nhiêu và làm như thế nào để ngân hàng không phải tốn nhiều chi phí.

Dự án Tháp văn phòng và căn hộ Eximbank bắt đầu triển khai từ tháng 4/2011. Theo quy hoạch ban đầu, dự án có diện tích sử dụng đất 3.513 m2, quy mô 5 tầng hầm và 40 tầng cao với chức năng văn phòng – khách sạn – thương mại – dịch vụ - căn hộ bán hoặc cho thuê.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2014 Eximbank đã có nghị quyết thay đổi điều chỉnh quy mô và chức năng dự án. Theo đó, Tháp Eximbank được điều chỉnh từ 5 tầng hầm và 40 tầng cao xuống còn 3 tầng hầm và 20 tầng cao. Đồng thời, bỏ chức năng căn hộ, chỉ giữ lại chức năng văn phòng.

Ngày 22/9/2014, HĐQT có nghị quyết về việc nghiên cứu đề xuất hợp tác đầu tư với Công ty Shimizu. Sau một thời gian, đến ngày 3/2/2015 thì HĐQT có nghị quyết với nội dung tạm dừng chưa triển khai dự án và chờ HĐQT nhiệm kỳ mới xem xét quyết định.

Tại Đại hội sáng 29/4, trong tờ trình gửi đến cổ đông, HĐQT xin ý kiến cổ đông về việc tiếp tục triển khai dự án Tháp Eximbank.

Một cổ đông Eximbank phát biểu tại Đại hội sau khi nghe thông báo huỷ họp. Ảnh: Thịnh Châu

Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới đề xuất thay đổi chức năng và chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch xây dựng công trình hiệu quả hơn. Điều chỉnh quy mô dự án để phù hợp với điều kiện hiện tại và xu thế phát triển của Tp.HCM.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng đề xuất chọn đối tác trong và ngoài nước để liên doanh, hợp tác đầu tư với tiêu chí giảm chi phí đầu tư của Eximbank ở mức thấp nhất, tận dụng lợi thế thương mại của khu đất nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho Eximbank.

Các hình thức liên doanh hợp tác đầu tư dự kiến bao gồm nhưng không hạn chế: Eximbank chỉ góp vốn bằng Quyền sử dụng đất, phía đối tác đầu tư vốn để xây dựng. Sau khi dự án hoàn thành, Eximbank được quyền sử dụng một phần mặt bằng văn phòng của tòa nhà. Các hình thức hợp tác đầu tư khác phù hợp điều kiện Eximbank và pháp luật hiện hành.

Theo thông tin từ Eximbank, khu đất xây dựng dự án đã có chủ quyền đất hợp lệ và cần thực hiện đóng nghĩa vụ tài chính bổ sung (khoảng 200 tỷ đồng) theo quy hoạch chấp thuận. Dự kiến, chi phí đầu tư xây dựng khoảng 3.600 tỷ đồng.

Sáng 29/4, Eximbank tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 để thông qua nhiều nội dung quan trọng. Tuy nhiên, cuộc họp đã không thể diễn ra do chỉ có 50,19% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, thấp hơn 65% theo quy định. Theo ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank, 2 nhóm cổ đông lớn của Eximbank có đến Đại hội nhưng đã không đăng ký tham dự. Nguyên nhân cụ thể vì sao không tham dự ông cũng không rõ.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.