Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến "Hành trình 1 năm Hiệp định EVFTA: Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo" diễn ra ngày 27/8 vừa qua.
Theo số liệu được chia sẻ tại hội nghị, trong suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tụt dốc liên tục với mức giảm -5.,9% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, dưới tác động của EVFTA, 5 tháng cuối năm 2020, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng 3,8%. Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, ở mức 18,3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản.
Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị… là thế mạnh của EU và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu từ EU tăng 19,8%, cao hơn nhiều so với con số 4,3% năm 2020.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác. Cụ thể, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14,8% (quan sát của VCCI cho thấy tỷ lệ này gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng ATIGA, gấp 7 lần AIFTA, gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP trong năm đầu). Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29%.
Để vượt qua khó khăn do đại dịch, ông Lộc cho rằng, cần rất nhiều giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Trong các giải pháp đó, EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp.
Chia sẻ tại hội nghị ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35%-60% chưa khai thác và nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35%-90%, tuỳ theo sản phẩm cụ thể.
Theo các chuyên gia, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tiếp tục tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA.
“Về lâu dài, cần tập trung thêm các ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai như năng lượng tái tạo, ô tô sử dụng năng lượng sạch và những sản phẩm khác Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn (từ khâu thiết kế đến xây dựng thương hiệu) như đồ gỗ nội thất, dệt may, nông sản nguồn gốc thiên nhiên chế biến (NI)…”- ông Vũ Bá Phú cho hay.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam cũng được xem là có nhiều cơ hội bứt phá sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát nhờ việc hai bên thúc đẩy thực thi EVIPA.
-
Sau 8 tháng thực thi EVFTA, xuất khẩu sang EU đạt gần 4,8 tỷ USD
CafeLand – Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính từ ngày 1/8/2020 (ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực) đến đầu tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường EU tăng vọt, đạt gần 4,8 tỷ USD.