Dự án vành đai 2 đoạn 3 dài 2,75km từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang tạm dừng thi công - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Trước đó, theo quyết định số 568/2013 của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, tuyến vành đai 2 giữ vai trò phân luồng giao thông khu vực nội thành.
Việc chậm trễ này kéo theo việc phát sinh khoản lãi vay khoảng 10 tỉ đồng/tháng.
Dự án ngàn tỉ "đứng bánh"
Dự án khép kín vành đai 2 - đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa (Q.Thủ Đức) dài 2,75km bắt đầu thi công từ năm 2017 do Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.
Hợp đồng BT số 6827 được ký kết giữa TP.HCM và nhà đầu tư vào năm 2016 có giá trị 2.765 tỉ đồng, trong đó bồi thường mặt bằng là 1.821 tỉ đồng, còn lại là giá trị thực hiện dự án.
Về cơ chế thanh toán, theo điều 11 của hợp đồng, nhà đầu tư sẽ thực hiện tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng và thi công dự án, sau đó TP sẽ thanh toán quỹ đất.
Hiện tổng mức đầu tư đang được các sở ngành TP rà soát sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp với quy định.
Ghi nhận vào ngày 25-8, tại công trường vắng bóng công nhân thi công. Một công nhân canh máy móc trong công trường cho hay dự án đã tạm ngưng nhiều tháng qua và chưa biết khi nào làm lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho hay sở cũng nắm được hiện chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn, đơn vị cũng đã có kiến nghị với HĐND TP, các sở ngành và quận huyện với mong muốn sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để hoàn thành đoạn này góp phần khép kín đường vành đai 2.
"Sở GTVT cùng với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường tiếp tục triển khai các thủ tục, giải quyết khó khăn để toàn tuyến sớm khép kín", lãnh đạo Sở GTVT cho biết thêm.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi về ngày thi công trở lại, ông Trần Đức Thắng, tổng giám đốc Công ty Văn Phú Bắc Ái, cho biết việc tạm dừng cho đến khi ký lại phụ lục hợp đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời phía TP.HCM thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư. Hiện công ty phải tạm dừng điều chỉnh xong phụ lục hợp đồng mới bắt đầu thi công được.
Phát sinh lãi vay 10 tỉ đồng/tháng
Tại thông báo kết quả kiểm toán chuyên đề về các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn TP, Kiểm toán Nhà nước đề nghị TP.HCM chỉ đạo các sở ngành xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, rà soát cập nhật chỉ tiêu, số liệu tài chính trong hợp đồng BT dự án đoạn 3 đường vành đai 2.
Đồng thời thực hiện thủ tục theo quy định đối với các khu đất trong danh mục thanh toán đã được ký kết tại hợp đồng BT, làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư đảm bảo tính khả thi phương án tài chính, giảm chi phí dự án do chậm thanh toán dẫn đến phát sinh lãi vay.
Trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước, UBND TP giao Sở GTVT TP rà soát điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, đồng thời Sở Tài nguyên và môi trường cùng với Sở Tài chính TP nghiên cứu quỹ đất để thanh toán.
Trước tình hình dự án tạm ngưng kéo dài, Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái đã có kiến nghị UBND TP sau hơn 4 năm kể từ khi ký kết hợp đồng, công ty đã huy động vốn thực hiện dự án đến nay giá trị giải ngân 1.370 tỉ đồng chưa bao gồm lãi vay.
Hiện nhà đầu tư đã đến thời điểm thanh toán nợ gốc, lãi vay, bên cạnh đó khoản lãi vay ước tính mà TP phải chịu là 222 tỉ đồng (tính đến cuối tháng 5-2020), trung bình mỗi tháng khoảng 10 tỉ đồng. Số tiền lãi đến nay rất lớn, doanh nghiệp rất khó khăn, do đó việc thi công tuyến đường bị ngưng trệ.
"Việc thực hiện dự án trên các khu đất chưa được triển khai do chậm giao đất. Việc chậm trễ giao đất sẽ dẫn đến phát sinh lãi rất lớn gây lãng phí ngân sách, đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ dự án", đại diện nhà đầu tư báo cáo UBND TP.
Nói thêm về khoản phát sinh lãi vay, ông Trần Đức Thắng cho biết doanh nghiệp vay vốn để giải phóng mặt bằng, thi công dự án.
Theo quy định hợp đồng BT, doanh nghiệp làm bao nhiêu thì TP.HCM thanh toán bấy nhiêu. "Đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc nhưng TP chưa thanh toán quỹ đất nên tiền lãi ngày càng tăng lên, TP phải chịu khoản lãi này", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, nếu trong năm 2020 trên cơ sở ký được phụ lục hợp đồng, TP.HCM thanh toán quỹ đất, nhà đầu tư sẽ gấp rút thi công hoàn thiện tuyến đường này trong vòng 18 tháng tiếp theo. Tức là khoảng năm 2022 sẽ đưa đoạn đường này vào khai thác.
Còn 4 đoạn, gần 14km chưa hoàn thành Dự án đường vành đai 2 của TP.HCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64km có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông tại TP.HCM, góp phần giảm ùn tắc, phát triển kinh tế và liên kết vùng. Do đó, mục tiêu khép kín vành đai 2 là nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay đường vành đai 2 hiện vẫn còn 11km (chia làm 4 đoạn) chưa được khép kín. Trong đó, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội), đoạn 2 (từ xa lộ Hà Nội đến Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 (từ đường Nguyễn Văn Linh đến quốc lộ 1). Riêng đoạn 3 đang được Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái thi công cũng đang phải tạm dừng. |
-
TP.HCM: Gần 1.600 tỷ xây dựng nút giao Mỹ Thủy – đường Vành đai 2
CafeLand – Sở Giao thông Vận tải vừa trình thiết kế xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy – đường Vành đai 2 (quận 2).
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
-
Cầu cửa ngõ phía Tây TP.HCM chính thức thông xe
Ngày 21/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức lễ thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM). Đây là cây cầu quan trọng, kết nối giao thông ở QL1A vào trung tâm TP....
-
Hôm nay (21/1), tuyến metro hơn 43.700 tỷ đồng sẽ chính thức thu phí
Sau 1 tháng chạy thử nghiệm và miễn phí, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức thu phí từ ngày 21/1. Việc thu phí được kỳ vọng sẽ giúp tuyến metro duy trì hoạt động bền vững và đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, bảo trì....