Không chịu lắp đặt đường ray dù chưa có quyết định tháo dỡ
Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới vụ việc chủ đầu tư đang triển khai thi công khu nhà ở thương mại, bán đất nền phân lô tại khu vực trạm vật tư đường sắt Dĩ An (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Việc này có phạm đến đất của đường sắt hay không khi diện tích đất này đang chờ lắp đặt đường ray theo một dự án về cải dịch đường sắt?
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đất tại khu vực trạm vật tư đường sắt Dĩ An thuộc Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn có tổng diện tích 117.332 m2, được tỉnh Bình Dương cấp năm 2011. Tuy nhiên, theo quy hoạch cơ cấu sử dụng đất đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong 117.332 m2, đất để đầu tư thương mại, dịch vụ chiếm 63.080 m2; đất cho các hoạt động của trạm vật tư đường sắt Dĩ An có diện tích 54.252m2, bao gồm đất cho nhà xưởng, công trình phụ trợ, bãi hàng, đường nội bộ và đường sắt (diện tích theo quy hoạch là 11.220 m2).
Đối với diện tích đất 63.080 m2, tháng 12/2013, tỉnh Bình Dương chấp thuận dự án phát triển nhà ở thương mại do Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trên diện tích đất này có đường sắt số 3 chiều dài 640m nối ga Dĩ An vào Nhà máy Xe lửa Dĩ An. Ngoài ra còn có 3 nhánh đường sắt số 60, 61 và 62 để phục vụ sản xuất chính của trạm vật tư đường sắt Dĩ An là xếp, dỡ vật tư, hàng hóa lên xuống toa xe.
Để có thể thực hiện dự án nhà ở thương mại trên khu đất trên, đồng thời không ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất của đường sắt, sau khi được các cấp thẩm quyền chấp thuận, Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn đã thực hiện dự án cải dịch 4 nhánh đường sắt này sang khu đất 54.252m2, cùng đó xây dựng hàng rào tole lượn sóng dọc hành lang tuyến đường sắt.
Từ năm 2015, công ty này đã thực hiện tháo dỡ các đường sắt này, sau đó hoàn thành hạng mục cải dịch đường sắt số 3 chiều dài 545m nối ga Dĩ An vào Nhà máy Xe lửa Dĩ An và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đối với các hạng mục còn lại, công ty vẫn chưa thực hiện cải dịch 3 nhánh đường sắt số 60, 61 và 62, hàng rào thì thi công dở dang.
Không thi công các hạng mục còn lại nhưng tháng 11/2016, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn lại có văn bản đề nghị Tổng công ty Đường sắt VN cho phép tháo dỡ các đường sắt nhánh (thực tế chưa lắp đặt) trên đất thuộc trạm vật tư đường sắt Dĩ An. Riêng với nhánh đường sắt số 3 vào Nhà máy Xe lửa Dĩ An, doanh nghiệp cam kết vẫn đảm bảo hành lang an toàn đường sắt theo quy định. Lý do doanh nghiệp này đưa ra là không có nhu cầu sử dụng các đường sắt nhánh này nữa, trong khi hàng năm vẫn phải nộp tiền thuê đất.
Đến tháng 8/2018, Bộ GTVT có văn bản thống nhất chủ trương tháo dỡ 3 bộ ghi và các nhánh đường sắt số 60, 61, 62 trong khu vực trạm vật tư đường sắt Dĩ An trên nguyên tắc Tổng công ty Đường sắt VN phải xây dựng phương án tháo dỡ, thu hồi vật tư 3 bộ ghi và các nhánh đường sắt này; xây dựng phương án sử dụng đất dành cho đường sắt sau khi tháo dỡ. Phương án tháo dỡ, phương án sử dụng đất phải được Bộ GTVT xem xét, chấp thuận.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Chỉnh, Phó trưởng ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt kiêm Trưởng Phân ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3 cho biết, trong suốt thời gian chờ quyết định cho phép tháo dỡ của Bộ GTVT, từ năm 2016 đến nay, đường sắt đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn lắp đặt các đường sắt nhánh còn lại nhưng công ty này không thực hiện. Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan vào tháng 5/2018, đường sắt tiếp tục yêu cầu và doanh nghiệp này đã ký biên bản cam kết trong quý 3/2018 sẽ thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Trong khi đó, thông tin với Báo Giao thông, ông Lê Văn Quyết, Phó trưởng phòng Thanh tra an toàn III, Cục Đường sắt VN cho hay, hiện trên diện tích đất 54.252m2thuộc trạm vật tư đường sắt Dĩ An, chủ đầu tư đang thi công các công trình đường bộ, phân lô. Qua kiểm tra hiện trường đầu tháng 4/2019, trên diện tích đất dự kiến để lắp đặt các nhánh đường sắt, chủ đầu tư đã làm đường bộ cấp phối sỏi sạn, chưa hình thành mặt đường nhựa. Nhưng xung quanh đường bộ cấp phối, chủ đầu tư đã cho làm bó vỉa. Còn trên diện tích để làm kho, nhà xưởng đã được xây gạch phân lô, thi công hạ tầng kỹ thuật như làm cống thoát nước, phòng cháy chữa cháy… rất bài bản như đối với các khu đô thị mới.
“Trong hồ sơ thiết kế của dự án cải dịch đường sắt, phương án thi công cũng là lu lèn, sau đó rải đá 4x6 và đặt ray lên trên. Vì vậy, dù hiện tại chưa thấy chủ đầu tư rải đá, đặt ray nhưng cũng chưa thể khẳng định chủ đầu tư có đặt ray không, hay rải nhựa làm mặt đường bộ”, ông Quyết nói và cho biết thêm, đã báo cáo hiện trạng về Cục Đường sắt VN để có hướng xử lý.
Vai trò của đường sắt ở đâu?
Theo một cán bộ quản lý về đầu tư đường sắt Tổng công ty Đường sắt VN, năm 2004, Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn được thành lập. Khi đó vốn góp của Tổng công ty Đường sắt VN chiếm 73,79% số lượng cổ phần. Đến năm 2015, Tổng công ty thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này và chuyển quyền sở hữu toàn bộ số cổ phần cho nhà đầu tư đã trúng giá kể từ ngày 11/2. Cá nhân sở hữu số lượng cổ phần trên được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Do đó, đối với trạm vật tư đường sắt Dĩ An, ngoại trừ các nhánh đường sắt là tài sản của Nhà nước hiện do Tổng công ty Đường sắt VN quản lý, phần còn lại thuộc tài sản của doanh nghiệp, tổng công ty không có thẩm quyền với phần đất này. Việc doanh nghiệp có chuyển đối mục đích sử dụng không, không thuộc sự quản lý của Tổng công ty Đường sắt VN.
Cũng theo vị cán bộ này, Tổng công ty Đường sắt VN chỉ có thẩm quyền đối với diện tích khoảng 4.534,8m2 là nền đường sắt và hành lang an toàn đường sắt của 3 nhánh đường sắt là 60, 61 và 62 đã được Bộ GTVT thống nhất chủ trương tháo dỡ (văn bản 8512 ngày 3/8/2018) và đang được quản lý theo quy định của Luật Đất đai.
Một chuyên gia về quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt cho PV biết, thực tế các đơn vị vận tải đường sắt khu vực không có nhu cầu sử dụng 3 nhánh đường sắt trên, trong khi Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn cũng không có nhu cầu. Khi nào Bộ GTVT có quyết định tháo dỡ, không sử dụng các đường sắt nhánh này nữa, sẽ có phương án sử dụng đất sau khi tháo dỡ. Trong trường hợp không sử dụng đất này cho đường sắt, sẽ phải bàn giao cho địa phương quản lý.
Trả lời Báo Giao thông về hướng xử lý, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh cho rằng, vấn đề này phức tạp vì liên quan đến quyền sử dụng đất và thẩm quyền quản lý đối với đất đường sắt hiện đang nằm trong đất của doanh nghiệp. Tổng công ty Đường sắt VN đang rà soát, kiểm tra các văn bản, quy định pháp luật liên quan để có hướng xử lý dứt điểm.
“Đối với những phản ánh việc chủ đầu tư xây dựng hạ tầng nên trên diện tích đất dành để đặt các nhánh đường sắt, Tổng công ty sẽ yêu cầu các đơn vị đường sắt khu vực kiểm tra lại hiện trường để làm việc với chủ đầu tư và tỉnh Bình Dương. Nếu có vi phạm đất đường sắt sẽ yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công trong lúc chờ hướng xử lý”, ông Mạnh nói.
Có thực tế là dù các nhánh đường sắt 60, 61, 62 và các bộ ghi chưa được lắp đặt lại nhưng hàng năm vẫn được Nhà nước cấp vốn bảo trì. Về vấn đề này, ông Trần Hữu Chiến, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, đơn vị được giao bảo trì đường sắt khu vực cho biết, Nhà nước giao vốn cho bảo trì hạ tầng đường sắt chỉ đáp ứng được 40-45% yêu cầu định mức kinh tế - kĩ thuật. Với số vốn này, khi triển khai theo thực tế, chỗ nào hỏng thì sửa, chỗ nào không hỏng, không sửa. Vì vậy, với các nhánh đường sắt trên, công ty không đưa vốn bảo trì vào thực hiện vì không phát sinh chi phí trên thực tế.
Còn việc vẫn đưa vào khối lượng để cấp vốn, theo ông Chiến, vì đây là dự án dở dang, Bộ GTVT chưa có quyết định tháo dỡ, thanh lý nên về pháp lý, không thể đưa khối lượng này ra khỏi kế hoạch bảo trì hàng năm. “Trong chi phí phát sinh của công ty không có một chứng từ nào về việc đưa vốn bảo trì Nhà nước liên quan đến các nhánh đường sắt này. Về bản chất, không có chi phí “ảo” để lấy tiền Nhà nước mà chỉ là sử dụng linh hoạt theo thực tế, đưa số vốn này đầu tư vào chỗ khác cần thiết hơn. Chính vì vậy, mấy năm qua, các cơ quan chức năng mới thẩm định, nghiệm thu và cho quyết toán việc sử dụng vốn bảo trì hạ tầng đường sắt địa bàn công ty quản lý”, ông Chiến nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đang yêu cầu các vụ Tài chính, Kết cấu hạ tầng giao thông kiểm tra, làm rõ các phản ánh trên; yêu cầu Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN báo cáo. “Vấn đề là sử dụng đất phải theo quy hoạch và xem chủ đầu tư có quyền hay không. Còn tài sản đường sắt tháo ra phải thu hồi nếu không sử dụng nữa”, ông Đông nói. |