16/06/2017 3:48 PM
Sau gần 7 năm thi công, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - ga Hà Nội (TP Hà Nội) đến nay mới chỉ hoàn thành được hơn 35% khối lượng xây lắp và nhiều lần phải lùi tiến độ.
Diện tích mặt đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy - Hà Nội) bị thu hẹp bởi công trường dự án
Theo điều chỉnh mới nhất, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2021, nghĩa là chậm mất 6 năm so với kế hoạch ban đầu, kéo theo vốn đầu tư của dự án này đội lên gấp rưỡi.
Nguy hiểm rình rập
Đã nhiều năm nay, người dân sống dọc tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội phải sống chung với bụi bặm, ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, tuyến đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, một trong những tuyến có lưu lượng phương tiện lớn của Hà Nội, với sự đóng đô của nhiều trường đại học, hầu như ngày nào cũng xảy ra tắc đường vào giờ cao điểm bởi sự “bành trướng” của những tấm tôn quây.
Bác Hoàng Anh Tuấn (trú số 85 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong thi công thật nhanh để cuộc sống người dân trở lại bình thường, nhưng thực tế thì rất chậm, chỉ thấy công trường thi công với lèo tèo vài công nhân, thậm chí nhiều đoạn còn không có công nhân nào”.
Không chỉ ùn tắc, khói bụi, nguy cơ mất an toàn cũng lơ lửng trên đầu những người tham gia giao thông. Mới đây nhất, một công nhân đã bất cẩn làm rơi ống thép lan can có đường kính 42mm, dài khoảng 4m, nặng khoảng 5kg xuống vỉa hè tại khu vực số nhà 265 đường Xuân Thủy, gây hoang mang cho người dân.
Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội và Tư vấn Systra đã yêu cầu nhà thầu dừng ngay thi công và tiến hành rà soát toàn bộ công tác an toàn, đồng thời cảnh cáo giám đốc nhà thầu vì sự cố uy hiếp an toàn này.
Trước đó, dự án này từng bị dừng thi công khi liên tiếp xảy ra 2 sự cố mất an toàn lao động, uy hiếp sức khỏe và tài sản người đi đường hồi năm 2015. Trong đó, một vụ chiếc cần cẩu đang thi công bất ngờ đổ sập đè vào 2 nhà dân trên đường Cầu Giấy, khiến 2 người bị thương và vụ một dầm sắt dài 10m bị tuột cáp rơi xuống đường ở trước cửa nhà số 256 Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhiều người may mắn thoát nạn.
Rõ ràng, những cam kết đảm bảo an toàn của các nhà thầu vẫn chưa đủ gạt đi những lo ngại của người dân sinh sống hoặc đi qua khu vực gần công trường, bởi thực tế vẫn đang có nhiều hạng mục thi công chìa ra ngoài phạm vi công trường, nếu bất cẩn là xảy ra tai họa.
Giá tăng gấp rưỡi, tiến độ lùi gấp đôi
Từng được kỳ vọng là tuyến ĐSĐT đầu tiên đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc của Hà Nội, thế nhưng, dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội sau đó đã trở thành một trong những dự án “rùa bò” nhiều tai tiếng nhất. Dự án khởi công năm 2006 với tổng mức đầu tư ban đầu 783 triệu EUR (từ vốn vay ODA và vốn đối ứng ngân sách nhà nước), dự kiến hoàn thành năm 2010.
Tuy nhiên, đến tháng 9-2010, dự án phải khởi công lần 2 và tiến độ được lùi tới năm 2015. Chi phí trượt giá đã khiến dự án phát sinh thêm 393 triệu EUR thông qua một thỏa ước tín dụng vay vốn khác, nâng tổng mức đầu tư lên 1,176 tỷ EUR. Đến tháng 1-2016, một thỏa ước tín dụng bổ sung 69 triệu EUR tiếp tục được ký với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), đưa tổng mức đầu tư lên 1,245 tỷ EUR và mốc hoàn thành được kéo lùi tới năm 2018.
Việc giải phóng mặt bằng và thi công chậm tại các gói thầu chính được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến dự án chậm tiến độ và bị đội vốn. Ví dụ, tại gói thầu số 1, chủ đầu tư đã nhiều lần thay đổi đơn vị thi công do năng lực kém, gói thầu số 3 bị nhà thầu đòi điều chỉnh tăng phí hợp đồng 40 triệu USD vì chậm bàn giao mặt bằng sạch, gói thầu tư vấn với nhà thầu Pháp Sytra bị đội lên thêm 27,3 triệu USD vì phải kéo dài hợp đồng...
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thừa nhận, việc các dự án bị đội vốn là do năng lực quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, phụ thuộc nhiều vào tư vấn, trong khi tư vấn nước ngoài chưa am hiểu về các quy định tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban quản lý ĐSĐT Hà Nội, cho biết, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt về công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án để sớm giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực nội đô, hiện tiến độ các gói thầu xây lắp có những chuyển biến tích cực, từng bước rút ngắn thời gian bị chậm.
Tuy nhiên, tiến độ một số gói thầu thiết bị vẫn đang bị chậm do phải xử lý tình huống trong quá trình đấu thầu và thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Hiện các ga trên cao mới làm được khoảng 40%, các ga ngầm chưa được thi công, một số điểm xây dựng ga ngầm như nhà ga S9 (Ngọc Khánh) hiện còn bị người dân phản đối vì thiết kế không đạt chuẩn và các cơ quan chức năng đang phải rà soát lại.
Về đánh giá tổng thể, tiến độ chung của toàn dự án mới đạt trên 35%. Hiện dự án cũng đang trong thời gian thanh tra toàn diện (từ 16-5 đến 26-6) theo quyết định của Thanh tra Chính phủ. Với những vướng mắc và tiến độ như hiện nay, nhiều chuyên gia vẫn đang lo ngại mốc mới 2021 sẽ bị lùi thêm nữa.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 12 nhà ga: Nhổn - Minh Khai - Phú Diễn - Cầu Diễn - Lê Đức Thọ - ĐH Quốc gia - Chùa Hà - Cầu Giấy và phần đi ngầm dài 4km qua ga Kim Mã - Cát Linh - Văn Miếu - Ga Hà Nội. Vận tốc lớn nhất là 80km/giờ, vận chuyển tối đa hơn 1.100 người, thời gian chạy đầu cuối tuyến 20 phút, kể cả dừng đón, trả khách.
Bích Quyên (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.