16/09/2017 10:29 PM
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang thiếu vốn nghiêm trọng và nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra.
Nguy cơ vỡ tiến độ
Đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga trên cao.
Theo kế hoạch, cuối tháng 7/2017, Dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị. Từ tháng 10/2017, Dự án Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II/2018 Dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Như vậy, chỉ còn 15 ngày nữa là Dự án sẽ vận hành thử nghiệm. Tuy nhiên, Tổng thầu Trung Quốc cho biết, do khó khăn về tài chính nên dự án không thể đẩy mạnh thi công.
Ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đi kiểm tra tiến độ thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo báo cáo của Tổng thầu Trung Quốc, dự án đang ''dậm chân tại chỗ'' vì thiếu vốn.
Nhiều hạng mục tiếp tục chậm trễ kéo dài so với kế hoạch. Khu Depot, các tòa nhà điều hành, nhà xưởng đều chưa xong các hạng mục cơ bản. Một số nhà ga chưa xong phần xây dựng, một số điểm trên tuyến mới đang kéo dây cáp điện.
Các hệ thống thiết bị các nhà ga vẫn ngổn ngang, thậm chí nhân công và máy móc trên công trường giảm đi do không có việc, thiết kế cụ thể của một số hạng mục chưa triển khai.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: NĐT
Đại diện Tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cho biết, nguyên nhân chậm là do thiếu vốn, China Eximbank vẫn chưa được giải ngân vốn đầy đủ.
Tổng thầu Trung Quốc thừa nhận, do quá trình thanh toán giải ngân, bổ sung vốn chưa được giải quyết kịp thời khiến Tổng thầu tăng dần khoản nợ đọng với thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị. Dự án đang đối mặt với áp lực thiếu vốn nghiêm trọng và nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, vấn đề quyết định đến tiến độ dự án trong giai đoạn hiện nay là vốn. Dự án đang trong giai đoạn cuối cùng nên nhu cầu về vốn rất lớn, nhưng việc cung cấp nguồn vốn bị chậm trễ.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Đông yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt phải tổ chức họp về tình hình thực hiện dự án, trong đó yêu cầu Tổng thầu EPC báo cáo chi tiết tất cả các hạng mục và thời hạn hoàn thành cụ thể.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, Bộ GTVT sẽ gửi văn bản đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ thúc đẩy tiến độ, cũng như sẽ làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc để yêu cầu đảm bảo tiến độ theo cam kết, theo Dân trí.
Dự án đang đối mặt với áp lực thiếu vốn nghiêm trọng và nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra.
1,2 tỷ tiền lãi/ngày
Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD.
Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.
Tuy nhiên dự án chậm tiến độ, đến tháng 10/2011 mới chính thức triển khai.
Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng), tăng hơn 315 triệu USD.
Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).
Thủ tục vay vốn bổ sung đối với phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 3 nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân, chậm 4 tháng.
Nếu tiếp tục chậm tiến độ thì chỉ tính tổng vốn vay của Trung Quốc 669,62 triệu USD, tương đương 14.718 tỷ đồng, với lãi suất thấp nhất của khoản vay là 3%/năm, mỗi năm chúng ta phải trả khoảng 442 tỷ đồng tiền lãi/năm.
Như vậy, tính ra mỗi ngày phải trả lãi ít nhất 1,2 tỷ đồng và chưa tính đến phần lãi phát sinh của số vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách Nhà nước.
Trong khi, theo đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt, hiện dự án đang nợ nhà thầu phụ lên tới 600 tỷ đồng và nhà thầu phán ứng khá gay gắt.
Chia sẻ với Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao Thông cho rằng, nghịch lý ở dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đó chính là tiền ODA chuyển cho Tổng thầu Trung Quốc, rồi họ lại dùng tiền đó trả cho các nhà thầu phụ khác.
Bỗng nhiên, lại có một khâu trung gian tồn tại, gây khó khăn cho Việt Nam trong việc quản lý hiệu quả đầu tư của đồng tiền, vì đưa tiền hay không đưa tiền là quyền của họ.
Về phía Trung Quốc, bản thân ông Thủy cũng có nhiều nghi vấn đặt ra, vì sao họ chưa trả tiền kịp thời cho phía Việt Nam. Ở đây chỉ có thể rơi vào mấy trường hợp như không chuyển tiền, thiếu tiền, khúc mắc hoặc nhà thầu phụ đảm bảo không đúng tiến độ.
"Chúng ta đang thụ động trong mọi mặt: thời gian thi công, tiền vốn, đi vay xây dựng nhưng cũng không phải người chủ tri, người cho vay lại là người nắm tiền, nắm quyền phân phối nguồn vốn, quá vô lý.
Ở đây cho thấy hợp đồng ký với Tổng thầu Trung Quốc có quá nhiều kẽ hở, từ vấn đề tiến độ, vấn đề giá cả, rồi vấn đề giải ngân, tất cả đều do Trung Quốc nắm.
Khiếm khuyết này trước tiên, phải trách phía Việt Nam khi làm hợp đồng, thực sự chưa tạo ra sự công bằng, tạo ra động lực đẩy nhanh tiến độ", ông Thủy nhận định.
Thúy An (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.