Chuyện đào đường, sửa đường vào dịp cuối năm đã gần như trở thành “điệp khúc” của đô thị. Với cái mác “chỉnh trang đô thị” hoặc cải thiện ùn tắc giao thông, các dự án đào đường, sửa hè được thực hiện tưng bừng trên khắp đường nhỏ đường to.
Thực tế, Hà Nội đang tồn tại cùng lúc 4 đại công trường, bủa vây khắp thành phố. Thậm chí, đại công trường 5.300 tỉ đồng cho dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long... Nhiều tuyến phố địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Nội đang trở thành các công trường thi công.
Còn, TP HCM đến ngày 20/11, có tổng số 123 vị trí rào chắn trên 54 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án.
Điểm chung ai cũng có thể thấy đó là, có nhiều tuyến đường, đơn vị này vừa lấp đi thì đơn vị khác lại đào bới lên, gây mất mỹ quan đô thị, bụi, bẩn, ô nhiễm môi trường, gây cản trở giao thông... ảnh hưởng không nhỏ đến đến cuộc sống của người dân và gây tốn kém quá nhiều cho cho chi phí chuẩn bị dự án đầu tư (khảo sát, dự án thiết kế...).
Nguyên nhân của việc cuối năm đường xá “vào mùa” đào bới là do không có sự thống nhất giữa các đơn vị thi công, mỗi công trình (cáp điện, nước, chiếu sáng, thông tin...) lại được quản lý bởi các cơ quan khác nhau nên việc xây dựng các công trình mới thường gặp nhiều khó khăn do không biết chính xác vị trí nên thường xuyên xảy ra sự cố trên các tuyến thi công. Từ đó bị trùng lắp, chồng chéo, lặp lại các công việc mà ở từng dự án chủ đầu tư đều phải đầu tư như nhau.
Đáng nói ở chỗ, là do các địa phương “chạy” cho kịp chỉ tiêu giải ngân. Hoạt động này thường không được ưu tiên kinh phí vào dịp đầu và giữa năm mà khi đến cuối năm, các địa phương còn kinh phí mới thực hiện giải ngân vào các công trình này. Do đó, các hoạt động này phụ thuộc vào tình hình thu chi ngân sách và kế hoạch đầu tư của địa phương.
Thậm chí, chính một cán bộ ngành trong ngành giao thông giải thích căn nguyên từ “quy trình xin cấp vốn”. Đại ý vào đầu năm, các đơn vị đăng ký dự án, đăng ký vốn. Rồi đến các thủ tục thiết kế, dự toán, thi công, đấu thầu, phê duyệt... Quy trình này kéo dài đến tháng 10, 11.
Liên quan đến chuyện đường chưa hư đã duy tu, còn đường hư nặng vẫn không sửa chữa, một cán bộ ngành giao thông cho rằng, đó là do sự phân bổ vốn cho địa phương, cũng như cho các khu quản lý giao thông chưa dựa trên thực tế, mà dựa trên chỉ tiêu.
Cán bộ này nói: “Anh cho địa phương người ta 10 đồng thì người ta phải tranh thủ xài hết 10 đồng thôi, không xài thì uổng đã trở thành tâm lý”.
Điều này cũng có nghĩa, với trình tự thủ tục giải ngân một dự án duy tu, sữa chữa đường bao lâu nay vẫn thế, hẳn là các chủ đầu tư kinh nghiệm “đầy mình” cũng đã “căn” được độ trễ thời gian để chọn thời điểm trình dự án.
Vấn đề ở chỗ, việc cấp tập thi công dịp cuối năm không chỉ gây xáo trộn cuộc sống người dân, nhếch nhác bộ mặt đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra các công trình kém chất lượng. Vì một số đơn vị thi công ngày lễ, tết có tâm lý lợi dụng tình thế cấp tập, đơn vị quản lý dễ bỏ qua sai sót nhỏ, dễ nghiệm thu... để luồn lách, thi công không đảm bảo chất lượng.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng: “Nếu có kế hoạch trước và làm đều đặn thì không sao, đằng này lại dồn cục vào cuối năm để làm, việc kiểm tra không tốt dẫn tới chất lượng không đảm bảo, cho nên đây là việc nên tránh”.
Theo đó, nói gì thì nói, chọn thời gian sát Tết để sửa đường, đào bới là không hợp lý bởi việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động đi lại, sinh hoạt và kinh doanh của người dân.
Để cải thiện tình trạng “cuối năm vào mùa đào đường”, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích đầu tư hợp tác công - tư để mở rộng khả năng thu hút vốn tư nhân hoặc vay vốn ngân hàng, ứng trước vốn cho các đơn vị thi công để có thể chủ động triển khai dự án sớm.
Quan trọng hơn, vấn đề này cần được nhìn nhận ở góc độ ý thức về tầm quan trọng của công tác chỉnh trang đô thị từ phía các cơ quan quản lý.