Giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế. Nhận thức rõ điều đó, những năm gần đây Nhà nước đã bằng nhiều hình thức khác nhau thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hiện đại nối các trung tâm kinh tế, các tỉnh, thành phố. Thế nhưng đáng buồn là nhiều con đường xây mới người dân chưa kịp vui đã thất vọng vì chất lượng nhanh chóng xuống cấp, tình trạng lún, nứt xảy ra phổ biến.
Mới đây nhất là Dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Đồng Nai dài hơn 114km với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng đưa vào sử dụng hơn 1 năm đã xảy ra hàng loạt điểm lún nghiêm trọng dài hàng chục km, gây mất an toàn giao thông. Nhiều điểm lún đã được khắc phục bằng cách cào phẳng nhưng chỉ một thời gian sau lại… nhấp nhô.
Giải thích cho tình trạng này, đại diện nhà đầu tư cho rằng nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do nhiệt độ nắng nóng kéo dài cộng với xe quá trọng tải thường xuyên đi qua. Bởi vì theo tiêu chuẩn hiện nay nhiệt độ hóa mềm của nhựa đường là 46 độ C, những ngày nắng nóng nhiệt độ mặt đường đo được lên tới 72 độ C.
Trong khi đó, đường được thiết kế chịu tải trọng trục xe là 10 tấn/trục nhưng hiện nay kết quả cân xe trên tuyến đường cho thấy xe có tải trọng trục 20, 30 tấn/trục tương đối phổ biến. Ngoài ra, việc dừng đỗ kéo dài cũng dẫn đến sự gia tăng trọng trục của xe xuống đường, cùng với đó các xe thường có xu hướng đi theo một vệt ở làn phía trong ôtô cũng là nguyên nhân khiến tuyến đường bị lún.
Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng đường hỏng “do khách quan” - theo lý giải của nhà đầu tư. Trước đó, tình trạng lún, nứt trên đường Hồ Chí Minh cũng được giải thích là do tầng địa chất yếu và do mưa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân khách quan thì yếu tố chủ quan là chất lượng công trình xây dựng góp một phần không nhỏ vào tình trạng lún, nứt đường.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT “mổ xẻ” về các nguyên nhân gây lún, nứt đường, các chuyên gia của trường ĐH GTVT đã chỉ ra nguyên nhân. Cụ thể, trong quá trình thi công lớp vật liệu bê tông nhựa, việc giám sát, tuân thủ quy trình sản xuất, tổ chức thi công, nghiệm thu lớp bê tông nhựa chưa chặt chẽ.
Tương tự là với các khâu thiết kế và sản xuất, nhiệt độ trộn, nhiệt độ rải, nhiệt độ lu lèn dẫn đến mặt đường không đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, gây hằn lún. Bên cạnh đó, thiết kế kết cấu mặt đường và lớp bê tông nhựa và sử dụng vật liệu chưa xét đến các vùng miền, khu vực khí hậu khác nhau. Kết cấu mặt đường thiết kế chưa đảm bảo về công năng và thoát nước tốt cho móng và mặt. Cuối cùng, xe quá tải cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng này.
Như vậy, rõ ràng không phải chỉ do yếu tố khác quan. Mà xét cho cùng, không thể đổ lỗi cho khách quan được, vì trước khi đầu tư mỗi dự án xây dựng đường, hầu hết các chủ đầu tư đều lấy lý do đường đi qua vùng địa chất, thủy văn phức tạp để đội cao kinh phí. Sau đó, cũng chính các lý do này lại được họ đưa ra để lý giải cho việc lún, nứt đường. Điều này khiến nhiều người cho rằng có tình trạng “rút ruột” công trình của các chủ đầu tư, nhà thầu không phải không có căn cứ. Vậy nên, cần giám sát chặt hơn nữa công tác thi công các tuyến đường, chẳng lẽ cứ đổ tại “ông Trời” là xong?!
ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.