Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cuối tháng 12/2020, dự án đường dây 500KV Bắc - Nam mạch truyền tải thứ 3 đi qua 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên sẽ chính thức đóng điện. Tuy nhiên việc thiếu mặt bằng thi công hành lang tuyến, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… đang khiến cho dự án khó đạt được tiến độ đã đề ra.
Thiếu mặt bằng thi công đường dây 500KV Bắc - Nam mạch 3
Gói thầu Lô 13.6 của dự án đường dây 500KV Bắc - Nam mạch kép đoạn Dốc Sỏi - Pleiku 2 đi qua 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Dù chỉ có chiều dài 44 km, nhưng đây là đoạn then chốt của dự án. Theo tiến độ, gói thầu này đã phải hoàn thành từ đầu năm nay, nhưng nay đã quá 10 tháng, việc bàn giao mặt bằng để thi công hành lang tuyến vẫn thiếu đồng bộ, khiến mọi hoạt động ở công trình chỉ diễn ra cầm chừng.
Tương tự, cũng do vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, đến nay việc thi công hành lang tuyến của một gói thầu khác không thể triển khai. Chỉ với 30% công việc được hoàn thành, nên mục tiêu hoàn thành gói thầu đúng theo tiến độ là khó khả thi.
Với hơn 740km chiều dài, đường dây 500KV Bắc - Nam mạch truyền tải thứ 3 đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai.
Theo tính toán, khi hoàn thành, đường dây này sẽ đảm bảo truyền tải được từ 21 - 23 tỷ KWh mỗi năm và đáp ứng thêm 15% nhu cầu điện năng để phục vụ phát triển kinh tế khu vực này.
Nhiều khó khăn thi công đường dây 500KV Bắc - Nam mạch 3
Ở góc độ nhà thầu, ngoài việc không có mặt bằng sạch để thi công, hiện nay tiến độ đào, đúc móng cột cũng đang chậm so với cam kết do không đa phần đều phải đào trên triền núi. Việc đền bù phục vụ thi công, mở đường thi công hay làm đường tạm qua khu vực có rừng đều phức tạp hơn rất nhiều.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các gói thầu cung cấp vật tư thiết bị cũng bị chậm khoảng 3 tháng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp của địa phương tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế còn hạn chế do cùng lúc địa phương phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho cả dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Hiện đã bước vào mùa mưa năm 2020, nhiều địa phương có mưa to đến rất to khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn.
Áp lực phát triển hệ thống truyền tải điện
Theo Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm gần 80.000 MW so với năm nay.
Trong đó, các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm trên 30.000 MW; còn lại là các nhà máy điện gió và điện mặt trời dự kiến tăng thêm ở mức tương tự.
Phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Công tác phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất là thách thức lớn, bởi khối lượng đầu tư trung bình hàng năm cao gấp khoảng 2 lần năng lực hiện nay với số vốn đầu tư lớn theo dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Nhà thầu lắp dựng cột thép đường dây 500KV Quảng Trạch - Dốc Sỏi. (Ảnh: TTXVN)
Đây là quy hoạch hạ tầng phát triển điện lực quốc gia, là quy hoạch có tính hệ thống rất cao, có sự gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch ngành khác như: ngành than, dầu khí, sử dụng tài nguyên, môi trường; năng lượng tái tạo, giao thông, kinh tế - xã hội, không gian đô thị.
Truyền tải nói chung và dự án đường dây 500KV mạch 3 nói riêng có vai trò chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tổng mức đầu tư lên tới gần 12.000 tỷ đồng, đây là một dự án truyền tải trọng điểm. Việc lần lữa từ lần này đến lần khác sẽ làm mất đi ý nghĩa cấp bách vốn có.
Chính phủ đã khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư hoàn thành các dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần phát triển mọi mặt đời kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Việc không thể đóng điện đường dây 500KV mạch 3 theo đúng tiến độ sẽ gây khó khăn thế nào cho cung ứng điện của miền Nam năm tới?
-
Trĩu nặng nỗi lo thiếu điện trước “rừng” văn bản bủa vây
Từ khi triển khai đến khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) khoảng 15-17 tháng với dự án điện cấp 220 kV và khoảng 26-28 tháng với dự án cấp 500kV. Nhưng đó mới là khâu đầu…