Con đường này hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Hạ Long và Hải Phòng xuống còn 25km, thay vì gần 100km như hiện nay; rút ngắn được khoảng 60km từ Hạ Long đi Hà Nội, đồng thời mở ra những “con đường phát triển” mới, không chỉ cho Quảng Ninh.

Sơ đồ tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.

Lựa chọn chính xác

Quốc lộ 18 - con đường huyết mạch hiện nay nối Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh, thành trong khu vực - dù đã nhiều lần được tu bổ, nâng cấp và mở rộng, nhưng luôn ở trong tình trạng quá tải. Chỉ riêng lý do mất 4-5 tiếng cho hành trình một chiều Hà Nội - Hạ Long dài khoảng 170km cũng đã khiến các nhà đầu tư và du khách nản lòng khi nghĩ tới chuyện đi Quảng Ninh.

Quốc lộ 10 - con đường chính nối Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… với Quảng Ninh - cũng luôn ở trong tình trạng tương tự, dù được đưa vào hoạt động cách đây không lâu.

Để kết nối nhanh, an toàn với các tỉnh, thành trong khu vực, Quảng Ninh đã có nhiều đề xuất và được Trung ương đồng ý về việc mở rộng, xây mới các tuyến đường cao tốc, đường sắt. Trong đó, phương án mở đường cao tốc từ TP.Hạ Long đi Hải Phòng, để kết nối với đường cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng (đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo chuẩn quốc tế) là một giải pháp tối ưu, nhất là trong bối cảnh tài lực chưa đủ mạnh.

“Đợi đường cao tốc Hạ Long - Nội Bài xong thì rất lâu, bởi tình hình kinh tế khó khăn. Vì thế, chúng tôi đề xuất với Trung ương và được Thủ tướng đồng ý cho làm đường nối quốc lộ 18A với cao tốc 5B. Nếu làm được đoạn đường này thì Quảng Ninh hoàn toàn có thể sử dụng cao tốc 5B trong thời gian đợi đường cao tốc Hạ Long - Nội Bài” - ông Nguyễn Duy Hưng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (nhiệm kỳ 2007 - 2010) - nhớ lại.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý cho phép tỉnh Quảng Ninh lập dự án đầu tư đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.

Do vốn đầu tư lớn - khoảng 13.200 tỉ đồng - khó cân đối vốn từ ngân sách, nên Thủ tướng Chính phủ cho phép tách thành 2 dự án độc lập, gồm: Đường nối TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng; cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến theo hình thức hợp đồng BOT. Ban đầu, phần đường nối TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng dài khoảng 19,8km định thi công theo hình thức BT, nhưng đến ngày 25.2.2014, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định chấm dứt phương án trên, chuyển sang phương án sử dụng ngân sách tỉnh và đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Kết nối nhanh, lan tỏa rộng

Dự án đường nối TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng có tổng vốn đầu tư trên 5.800 tỉ đồng, dài 19,8km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, bề rộng nền đường 25,5m, bề rộng cầu 25m, kết cấu áo mềm, mặt đường cấp cao A1. Trên tuyến xây mới 8 cầu với tải trọng HL93, không kể cầu Bạch Đằng. Dự kiến, đoạn TP.Hạ Long - cầu Bạch Đằng sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Phần còn lại dài 5,45km, nhưng tốn kém hơn rất nhiều, sẽ do Tập đoàn SE của Nhật Bản thi công theo hình thức BOT. Phần này gồm cầu chính - cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối có tổng vốn đầu tư trên 7.400 tỉ đồng, trong đó riêng cầu vượt sông Bạch Đằng “ngốn” khoảng 4.400 tỉ đồng. Cầu có kết cấu vĩnh cửu bằng thép, bêtông cốt thép, bêtông cốt thép dự ứng lực; vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài toàn cầu 3.054m. Phần đường dẫn có quy mô như dự án phần đường, nút giao cuối tuyến với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Việc hoàn vốn của nhà đầu tư thông qua thu phí trên tuyến. Thời gian thu phí dự kiến 30 năm. Dự kiến, đấu quý I năm 2015, nhà thầu sẽ khởi công xây dựng phần dự án này và khánh thành vào năm 2017.

Theo giới chuyên môn, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ giúp mở toang thêm một cánh cửa phát triển mới không chỉ đối với Quảng Ninh, mà cả với các tỉnh, thành trong khu vực, trên cả lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Giám đốc một Cty lữ hành tại Quảng Ninh mừng vui, bởi đường cao tốc này hoàn thành, nếu chọn sân bay Cát Bi, Hải Phòng thì đi từ TP.Hạ Long vào TPHCM chỉ mất khoảng 2,5 giờ, không kể thời gian chờ bay - giảm được hàng tiếng đồng hồ đi lại trên những cung đường rình rập nhiều rủi ro như hiện nay.

“Rõ ràng tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ mở ra nhiều cơ hội, sự lựa chọn cho các nhà đầu tư và du khách đến với Quảng Ninh và cả các tỉnh, thành khác trong khu vực” - vị giám đốc này nhận xét.

Một trong những khu vực hưởng lợi nhiều nhất là khối các doanh nghiệp chuyên lĩnh vực xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu tại Quảng Ninh, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất, với cửa nhập chính là cảng Hải Phòng.

Có cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, sẽ không còn cảnh, như vào thời cao điểm, hàng ngàn lượt xe container chen chúc, như cày từng khúc đường trên quốc lộ 10 và quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long.

Quốc lộ 18A từ Mông Dương đi Móng Cái đã thông thoáng hơn rất nhiều so với trước đây, đang đợi cao tốc Hạ Long - Hải Phòng để hợp thành một tuyến đường kết nối thông thoáng các tỉnh, thành và xuyên biên giới.

Vì thế, con đường chiến lược này, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, chắc chắn cũng sẽ giúp giải bài toán liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là những hạt nhân của vùng, vốn đã được đưa ra bàn thảo nhiều nhưng hiệu quả vẫn chỉ nằm trên hoạch định.