10/04/2014 8:14 AM
Với hơn 3.000 ha đất và mặt nước, tổng vốn đầu tư cả hai giai đoạn gần 28 tỷ USD. Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu mà Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đang đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) được xem là siêu dự án. Hà Tĩnh đang được và mất gì khi tiếp nhận dự án FDI lớn nhất Việt Nam này?

Công nhân làm việc luôn có một người theo dõi từ trên tháp cao

Cuộc di dời, tái định cư thế kỷ

Được khởi công vào tháng 7/2008, Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu của Tập đoàn Formosa đang tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ riêng Hà Tĩnh mà còn các tỉnh lân cận.

Điều dễ dàng nhận thấy nhất là sự nhộn nhịp không chỉ trong công trường Formosa mà ngay cả những vùng phụ cận như Nam Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình cũng náo nhiệt không kém.

Bằng chứng là những đoàn xe tải ngày đêm chở nguyên vật liệu nối đuôi nhau ùn ùn đổ về đại công trường Formosa. Hàng trăm doanh nghiệp được thành lập mới nhằm ăn theo dự án, hàng ngàn lao động có công ăn việc làm ổn định… Vùng đất nghèo dưới chân đèo Ngang, từng bị xem “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đang đổi thay từng ngày.

Để có được gần 2.000 ha đất và hơn 1.000 ha mặt nước dành cho dự án, hơn 2.500 hộ dân của 9 xã vùng Nam Kỳ Anh phải di dời để giải phóng mặt bằng. Riêng xã Kỳ Lợi gần như bị xóa trắng để dành đất cho dự án.

Đây được xem là một cuộc đại di dời, tái định cư thế kỷ mà Hà Tĩnh đã rốt ráo thực hiện trong những năm qua và kết quả thật sự ngoạn mục. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích dành cho dự án cơ bản “sạch”, và nhà đầu tư rất hài lòng về việc này.

Theo cam kết của Tập đoàn Formosa, giai đoạn 1 của dự án sẽ được đầu tư 7,9 tỷ USD, với công suất hơn 7,5 triệu tấn gang thép mỗi năm và năng lực bốc dỡ hàng hóa qua cảng Sơn Dương 30 triệu tấn/năm.

Một trong những chiếc hầm bê tông rộng hàng trăm mét, sâu hàng chục mét

Mới đây, Tập đoàn Formosa đề xuất đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất của khu liên hợp gang thép này lên 22,5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư lên đến 28 tỷ USD. Hiện, công trường Formosa đang thu hút gần 7.000 chuyên gia, cán bộ, công nhân cả Việt Nam và nước ngoài vào làm việc. Tập đoàn Formosa đã giải ngân hơn 2 tỷ USD cho dự án này.

Dù chưa đi vào hoạt động sản xuất, nhưng Fomosa đã giúp Hà Tĩnh thu ngân sách tăng vọt từng năm, từ hoạt động nhập khẩu thiết bị và các doanh nghiệp phụ trợ. Từ chỗ thu ngân sách ì ạch, chỉ trên dưới 1.000 tỷ đồng mỗi năm, thì năm 2013, Hà Tĩnh thu gần 5.500 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 này đạt trên 8.000 tỷ đồng, trong đó công trường Formosa đóng góp hơn 50% tổng thu.

Ngay như Quảng Bình, cũng buộc phải bắt nhịp, ra chủ trương ưu tiên dành đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Kinh tế Hòn La với những ngành nghề phụ trợ cho dự án Formosa, nhằm đón đầu sự bùng nổ trong tương lai gần.

Đột nhập đại công trường Formosa

Không chỉ những ai đã từng qua lại trên tuyến QL1A, đoạn qua Khu Kinh tế Vũng Áng, mà ngay cả không ít người dân Hà Tĩnh cũng đều chung cảm giác ngạc nhiên về độ hoành tráng, đồ sộ của dự án Formosa. Nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến dự án. Thậm chí, không ít ý kiến quan ngại đến an ninh quốc gia, khi mà Formosa chiếm giữ một vùng đất rộng lớn ở vùng eo thắt của đất nước.

Mỗi cụm công trình cũng có hàng rào bằng tôn và cổng ra vào được bảo vệ nghiêm ngặt

Ngay cái cách mà Tập đoàn này xây dựng hàng rào cũng khiến người khác phải mắt tròn, mắt dẹt. Cả một vùng đất rộng lớn gần 2.000 ha được xây dựng tường rào bao quanh cao chừng 5m. Khoảng 2/3 chiều cao của tường rào được đổ bê tông cốt sắt, chỉ một ít gạch được xây phía trên cùng của tường rào.

Bên ngoài là một con kênh nhân tạo rộng chừng 30m, chạy bao quanh hàng rào. Họ đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD để san lấp mặt bằng khu đất dự án. Cát được hút từ biển lên để nâng cao trình toàn bộ mặt bằng bình quân trên 3m, có nơi đến 15m. Người dân không phận sự, chỉ có thể nhìn thấy phía trong hàng rào kia, ngày thì bụi mù, đêm đèn điện sáng trưng như phố.

Để mục sở thị phía trong hàng rào của dự án, nhóm PV Tiền Phong đã trực tiếp đến Văn phòng điều hành Formosa đăng ký làm việc. Cũng như những lần trước, nhân viên phụ trách đối ngoại của dự án kiểm tra giấy tờ, ghi nội dung làm việc vào giấy…

Và cũng câu nói ấy: “Chúng tôi sẽ dịch nội dung này, mail về Đài Loan để ông chủ xem xét trả lời, mong các anh đợi. Lúc nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo qua điện thoại hoặc mail”.

Biết đây là cách thoái thác khéo của Formosa, chúng tôi đành rút lui tìm cách khác. Một anh bạn doanh nghiệp trên địa bàn, chuyên cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án nhận lời đưa chúng tôi vào.

Tuy nhiên, xe ô tô chỉ đến được cổng an ninh thứ nhất thì bị ách lại, vì chúng tôi không có thẻ từ cá nhân theo quy định. Anh bạn doanh nghiệp lắc đầu phân bua: “Thông thường muốn vào ra khu dự án, xe có thẻ từ của xe, người có thẻ từ của người do Formosa cấp để qua cửa an ninh. Cứ tưởng quen biết họ cho qua, ai ngờ khó khăn thật”.

Đang bế tắc, chợt nhớ đến anh bạn kỹ sư, hiện làm việc cho nhà thầu Hàn Quốc đang xây dựng một số hạng mục của Formosa. Nghe chúng tôi “cầu cứu” qua điện thoại, anh bạn kỹ sư tặc lưỡi: “Thôi được, tôi sẽ tìm lí do xin nghỉ một buổi, sáng mai vào sớm lấy áo quần, thẻ từ của tôi mà vào, chỉ được một người thôi đó. Trước khi đi là phải ăn no và mang theo ít nhất 2 ổ mì, sữa, nước để chống đói khi lạc đường”.

Thấy chúng tôi có vẻ không tin, anh bạn giải thích: “Các ông không thể tưởng tượng được độ rộng lớn và phức tạp ở công trường này đâu. Hà Nội còn có tên đường mà hỏi, còn ở đây chỉ toàn là những lối đi tạm thời, nhằng nhịt khắp nơi, hai bên bê tông, cốt sắt dựng san sát, đâu đâu cũng thấy na ná giống nhau nên rất khó định hình.

Là người chưa vào công trường Formosa, kiểu gì cũng lạc đường. Nếu may thì gặp khu công nhân người Việt họ còn giúp chỉ đường, còn xui mà gặp khu công nhân người Trung, Hàn… thì chỉ còn nước ăn bánh mì cầm hơi, đợi đến tan ca chiều, đi theo họ mà ra ngoài thôi”.

Trên chiếc xe máy bết đầy bùn đất, với bộ quần áo kỹ sư, chiếc thẻ trên tay, tôi vô tư vượt qua các lớp cổng an ninh của Formosa mà không hề gặp bất cứ sự ngăn trở nào. Đúng là một đại công trường đồ sộ ngoài sức tưởng tượng.

Ngay phía cổng vào là một tổ hợp nhà cao tầng như một thành phố thu nhỏ, với hàng chục tòa nhà từ 5 đến 10 tầng, làm văn phòng điều hành dự án và nơi ăn nghỉ của chuyên gia. Và cũng từ đây, một hệ thống đường ngang, ngõ dọc chằng chịt nối với các cụm tổ hợp của dự án.

Ngay các cụm tổ hợp cũng có hàng rào bằng tôn xanh cao chừng 3m bao quanh, có cổng vào, ra hẳn hoi. Ở mỗi cổng đều có bảo vệ giám sát ngày đêm.

Thực sự khó có thể miêu tả hết độ “khủng” của đại công trường này. Trên những con đường nội bộ chằng chịt, hàng ngàn chiếc xe tải nặng hối hả tung bụi mù trời. Phía trong hàng rào bằng tôn là những công trình đồ sộ, con người lọt thỏm, nhỏ bé giữa muôn vàn bê tông, sắt thép.

Ở đây hầu hết các công trình vẫn chưa thành hình, thành dạng, có chăng là các nhà xưởng lắp ghép từ những thanh thép nặng hàng tấn. Với một người ngoại đạo như tôi, thực sự không thể hình dung được những tổ hợp công trình kia rồi đây sẽ ra sao, công năng của nó là gì.

Không chỉ trên mặt đất, mà ngay dưới lòng đất, người ta cũng xới tung, xây dựng những đường hầm bằng bê tông dài hàng km chạy thẳng ra phía biển, lớn đến mức hai chiếc xe tải nặng có thể chạy bon bon ngược chiều nhau mà không cần giảm tốc độ. Rồi có những chiếc hầm bằng bê tông dày cả mét, rộng hàng trăm mét vuông, sâu hàng chục mét…

Rong ruổi trên chiếc xe máy gần cả buổi sáng, tôi không thể đi hết mặt bằng của đại công trường này. Theo các công nhân Việt Nam, thi công các tổ hợp ở đây chủ yếu là các nhà thầu Việt Nam và Hàn Quốc, còn Trung Quốc chỉ là các nhà thầu phụ.

Các ông chủ rất thích sử dụng lao động Trung Quốc vì họ làm việc chăm chỉ, mỗi người có thể làm việc bằng hai, bằng ba công nhân phổ thông và những công đoạn khó, duy chỉ có họ mới làm được. Điều duy nhất mà các ông chủ không thích ở công nhân Trung Quốc là họ ăn ở rất mất vệ sinh. Ngày trước, Formosa còn cho họ ăn ở tại công trường, nhưng nay thì cấm tiệt, hết ca chiều, những người không phận sự buộc phải ra ngoài.

Không khí ở đây rất nghiêm ngặt. Mặc dù có mặt hàng nghìn công nhân trên công trường, nhưng ai cũng lặng lẽ làm việc cật lực. Ở mỗi cụm công trình, thường có một tháp cao, phía trên túc trực một người theo dõi, giám sát những công nhân ở dưới. Tôi đánh liều trèo lên một tháp canh, lia ánh mắt khắp lượt nhưng không thể nhìn thấy điểm cuối của công trường. Và chiếc ống khói xa tít tắp phía chân trời đã dẫn đường cho tôi thoát khỏi “trận đồ bát quái” của đại công trường Formosa.
Nhóm PV (Báo Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.