Công tác kiểm toán Nhà nước về dự toán ngân sách tại các địa phương cho thấy mức chi thường xuyên trong ngân sách luôn chiếm tỷ trọng nhiều hơn là mức thu.
Dự toán ngân sách Nhà nước:Thu,chi chưa sát

Chưa sát thu và chi

Kết quả điều chỉnh dự toán của Ủy ban Tài chính-ngân sách Quốc hội trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy việc điều chỉnh dự toán ngân sách luôn trong xu hướng gia tăng. Cụ thể: năm 2007 tăng 1.000 tỷ đồng, năm 2008 điểu chỉnh tăng 1.600 tỷ đồng, chỉ riêng năm 2009 giảm xuống 28.100 tỷ đồng. Nhưng sang năm 2010 và 2011 đều được điều chỉnh tăng lần lượt là 5.100 tỷ và 4.500 tỷ đồng.

Còn theo Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), hiện dự toán ngân sách chưa sát với tình hình thực hiện và về số thu và chi.

Theo đó, về thu ngân sách nhà nước các con số thường vượt xa so với dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định: năm 2007 vượt 20,5% so với dự toán, năm 2008 vượt 26,8% năm 2009 vượt 16,6% năm 2010 đánh giá vượt 21,2%.

Cũng theo cơ quan này, nguyên nhân của tình trạng trên có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Không kể những khó khăn của tình hình kinh tế tài chính thế giới có ảnh hưởng đến công tác dự báo chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng như dự báo về nguồn thu của ngân sách Nhà nước thì nguyên nhân chính vẫn là do các địa phương cố tình giấu giếm nguồn thu, hoặc đánh giá kết quả thu năm trước làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán ngân sách năm sau còn thiếu tích cực, thấp xa so với thực tế hiện thực. Điều này được minh chứng qua các con số: năm 2006 số đánh giá chỉ bằng 93,5% số thực tế thực hiện, năm 2007 chỉ bằng 87,2%, năm 2008 bằng 85,4%, năm 2009 bằng 88,9%.

Cùng quan điểm, ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho hay: Quyết định phân bổ nguồn thu từ Trung ương đưa về địa phương là một con số cụ thể, nhưng khi về đến Hội đồng nhân dân các tỉnh bao giờ cũng đặt số thu cao hơn.

“Xét về khía cạnh nào đó tăng thu cũng rất tích cực, nhưng bất hợp lý ở đây chính là khoảng cách nguồn thu giữa Trung ương và địa phương lại vênh nhau quá lớn. Câu hỏi đặt ra phải chăng việc tính toán chưa sát hết với nguồn thu hay khi địa phương báo cáo lên Trung ương số chi bị khép lại, còn thu lại mở rộng ra?!”, ông Dũng cho biết.

Thừa nhận điều này, ông Hoàng Văn Bảo, Trưởng ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương cũng chia sẻ: Xây dựng dự toán chi ngân sách trong đó có chi thường xuyên chiếm con số khá lớn trong ngân sách của địa phương.

“Nhưng khi tiến hành kỳ họp Hội đồng nhân dân thì rất ít các đại biểu có ý kiến, nếu có thì đại diện của ngành nào chỉ biết kêu cho ngành đó, đại biểu của địa phương nào thì kêu cho địa phương đó. Ở đây lợi ích nhóm thể hiện rất rõ ràng, vì vậy khi dự toán được trình ra mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh phần lớn đều được thông qua nhanh chóng”, ông Bảo nói.

Ông Lê Hoàng Quân, phó Tổng kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, cơ chế lập dự toán như hiện nay đang theo hướng ngành nào, địa phương nào cũng muốn có mức ngân sách cao hơn để chi tiêu trong khi nguồn lực ngân sách Nhà nước luôn có hạn,

“Việc lập và giao dự toán thu thường thấp hơn khả năng thu và dự toán chi luôn cao hơn so với khả năng đảm bảo của ngân sách. Do vậy, những sai sót và rủi ro trong dự toán mà Chính phủ trình Quốc hội là khó tránh khỏi”, ông Quân khẳng định.

Nên độc lập tài chính cho cơ quan kiểm toán

Tại Hội thảo “Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc hỗ trợ Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định dự toán ngân sách hàng năm” vừa diễn ra hôm qua, rất nhiều kiến nghị được đưa ra như tăng cường nhân sự, hoàn thiện qui định pháp luật,... trong đó vấn đề độc lập tài chính để Kiểm toán Nhà nước thực hiện công tác kiểm toán một cách chủ động được nhiều chuyên gia kinh tế đê cập.

Giáo sư Nguyễn Quang Quynh, Trường đại học kinh tế quốc dân bày tỏ: Tuy pháp luật qui định trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước là kiểm toán tổng quyết toán ngân sách nhưng trên thực tế cơ quan này vẫn chưa làm được. Muốn phát huy được thì Kiểm toán nhà nước phải có quyền hạn và đồng thời phải có khả năng.

“Muốn vậy Kiểm toán nhà nước phải được độc lập đầy đủ đặc biệt là độc lập về tài chính, tuy mang tiếng là cơ quan Kiểm toán nhà nước lại không đủ kinh phí để tổ chức các buổi kiểm toán độc lập. Nếu chỉ đưa vào luật mà không có tiền thì có khác gì “những con hổ bằng giấy”, ông Quynh ví von.

Còn theo ý kiến của các chuyên gia, ngay cả khi chưa đủ mọi điều kiện để xây dựng một hệ thống kiểm soát hoàn chỉnh thì vẫn cần chuyển hệ thống kế toán ngân sách Nhà nước hiện nay thành một bộ phận độc lập ngoài hệ thống kho bạc nhà nước.

“Vấn đề chi ngân sách quốc gia giống như trong một gia đình chúng ta phải cân đối chi tiêu. Chúng ta phải biết ông chủ nhà có bao nhiêu tiền, nên lựa chọn các công việc gì cần phải làm. Vì vậy, kết quả kiểm toán là cơ sở vô cũng quan trọng trong việc xây dựng dự toán ngân sách, thông qua kết quả sẽ cho thấy công tác điều hành của chính quyền các cấp về sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả như thế nào”, ông Dũng nói./.

Theo Thành Tâm (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.