04/11/2011 2:33 PM
Dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ đưa ra hàng loạt quy định siết lại thị trường vàng.

Dự thảo Nghị định quản lý vàng: “Nuôi cá lớn, loại cá bé”

NHNN đang dự thảo những điều kiện rất ngặt nghèo về kinh doanh vàng miếng. Ảnh: Hồng Vĩnh.


Tạo điều kiện cho DN độc quyền?


Đầu tháng 10-2011, để trị dứt bệnh giá vàng trong nước luôn chênh giá cao hàng triệu đồng so với thế giới, NHNN cho phép Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và một số ngân hàng lớn được kinh doanh vàng qua tài khoản, bán vàng trong kho để ổn định thị trường. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng, dù sức mua không còn nóng.


Biện pháp này được dân kinh doanh vàng nhận xét: Chẳng bình ổn được gì ngoài việc làm dấy lên tình trạng mua bán USD tự do. Đồng thời tạo cơ hội cho một số đơn vị được kinh doanh vàng tài khoản, bán vàng can thiệp thị trường… hốt tiền.


Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng, NHNN vẫn giữ quan điểm “loại cá bé, nuôi cá lớn”, qua việc đưa ra hàng loạt điều kiện mới đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, như: phải có vốn từ hơn 100 tỷ đồng; nộp thuế trên 500 triệu đồng/năm; có 3 đại lý điểm bán hàng... “Với điều kiện này, chắc chắn trong số 12.000 DN kinh doanh vàng hiện nay, thì có đến cả vạn DN phải ngừng mua bán vàng miếng và chỉ một số ít đủ tầm ở lại”- giám đốc một DN kinh doanh vàng nhận xét.


Ngoài ra, theo ông này, việc dự thảo quy định mua bán vàng miếng chỉ được thực hiện ở những nơi, đơn vị được NHNN cấp phép khiến người ta liên tưởng đến quy định gần giống như quản lý kinh doanh ngoại tệ. Rồi sau này, có thể đẻ ra các thủ tục con như các đơn vị được phép lại đẻ ra giấy phép con để mở điểm gọi là thu đổi. Có cầu ắt có cung, khi đó có thể lại thành “chợ vàng đen” như với ngoại tệ. Như thế, chỉ là nối dài cơ chế xin cho.


“NHNN đã chủ động loại các DN nhỏ khỏi cuộc chơi. Cứ nói giới đầu cơ thao túng thị trường vàng nhưng thử xem có bao giờ DN nhỏ dám làm. Một thị trường là chỉ có một vài ông lớn, như thế gọi là độc quyền”, ông này nói.


Về điều kiện để được cấp phép sản xuất vàng miếng, DN phải có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất…, các DN vàng đều chung nhận xét: “Chỉ mỗi SJC hiện tại đủ điều kiện”.


Ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu nói: “Ngoài SJC hiện chiếm tới 90% thị phần, các thương hiệu vàng miếng được NHNN cấp phép (PNJ, SBJ, AAA, Bảo Tín Minh Châu...) chỉ còn lại 10%. Nếu chỉ mình SJC đủ điều kiện sản xuất thì các DN phải thuê lại SJC gia công là tất yếu.


Trước đây, có những thời điểm người dân mua vàng nhiều đến nỗi tất cả 8 thương hiệu vàng đều không đáp ứng đủ, nên có hiện tượng khan hàng. Nay nếu chỉ giao cho 1 đơn vị sản xuất và gia công, thì càng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường”.


Khó khả thi


Siết chặt các điều kiện kinh doanh, thị phần vàng miếng liệu có lập lại trật tự như NHNN kỳ vọng? Trưởng đại diện một hãng kinh doanh vàng nước ngoài tại Việt Nam cho hay: “Một số DN sản xuất, kinh doanh vàng lớn còn hưởng lợi từ các đợt xuất - nhập khẩu vàng. Hạn mức nhập khẩu vàng càng lớn, các DN càng lời cao.


Khi nhập vàng về để ổn định thị trường trong nước, họ tiếp tục kiếm lời từ chênh lệch giá với thế giới, nhất là những DN được nhập nhiều. Chưa kể có DN gắn với thương hiệu độc quyền còn nhận gia công cho các đơn vị khác, thu phí rất cao” .


Theo một chủ tiệm vàng, quy định chỉ cấm mua bán vàng miếng tại cửa hàng không được cấp phép cũng không khả thi. “Nhiều khi người ta chỉ có nhu cầu mua 1-2 cây vàng để trả nợ vay nhau hay gửi tiết kiệm, người dân bình thường vẫn tìm địa điểm tiện ích hơn thay vì phải đi xa hàng chục cây số mang tiền lích kích. Nếu so sánh với đô la thì nhu cầu mua bán vàng của người dân còn lớn hơn. Họ vào mua, làm sao giám sát được dân mua vàng miếng hay vàng trang sức?”- ông này nói.


Đại diện doanh nghiệp vàng Phú Quý cho rằng: “Muốn lập lại trật tự thị trường vàng, gốc là sự ổn định của nền kinh tế. Thời năm 2007, chứng khoán tốt, bất động sản tốt, có ai quan tâm đầu tư vào vàng đâu. Chỉ sang năm nay, khi tất cả những thị trường trên khó khăn, người ta mới đổ xô sang vàng”.


DN kinh doanh vàng đang lãi lớn

Theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc SJC, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của SJC đạt 10.212 tỷ đồng, bằng 194% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 166% kế hoạch năm, đạt lợi nhuận 366,5 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch năm.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý III-2011 của Cty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt hơn 246 tỷ đồng...


Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.