11/11/2011 2:18 PM
Ngay sau dự thảo Nghị định quản lý vàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ, hàng loạt chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh vàng lên tiếng chỉ trích về nghịch lý độc quyền. Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác, đó là quyền lợi của người dân, người dân vẫn là những người cuối cùng chịu thiệt thòi trong cuộc chơi.

Dự thảo Nghị định quản lý vàng: Dân vẫn thiệt

Người dân đã có thói quen lưu trữ loại nhẫn tròn trơn trước khi xuất hiện vàng miếng. Ảnh: Chí Cường


Gia tăng thêm "độc quyền tự nhiên"

Tại dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng NHNN công bố ngày 28/10, tình trạng độc quyền của vàng miếng SJC được NHNN cho là một trong 6 nguyên nhân gây bất ổn thị trường vàng trong thời gian qua. Theo công bố của NHNN: "Việc vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn (trên 90%) cũng tạo lợi thế độc quyền tự nhiên, dẫn đến mỗi khi giá vàng biến động, tình trạng khan hiếm vàng SJC làm cho thị trường biến động mạnh hơn".

Nhưng thay vì xoá bỏ tình trạng "độc quyền tự nhiên" của vàng miếng SJC, các biện pháp đưa ra trong dự thảo Nghị định lại có tác dụng tăng cường sự độc quyền này. Trong 4 điều kiện để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, đáng chú ý nhất là điều kiện thứ 4, quy định doanh nghiệp phải: "Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất". Đây là điều kiện mà nếu áp dụng đầy đủ sẽ không một doanh nghiệp nào trong số 8 đơn vị đang sản xuất vàng miếng hiện nay ngoại trừ SJC đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng. Bởi cũng theo thống kê của NHNN, hiện nay cả nước có 8 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép sản xuất kinh doanh vàng miếng, nhưng vàng miếng của Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã chiếm trên 90% thị phần vàng miếng. Tức là 7 đơn vị còn lại gồm: Công ty Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu, Ngân hàng Á Châu (ACB), Sacombank, Ngân hàng Phương Nam và hai doanh nghiệp trực thuộc Agribank chỉ chiếm khoảng 10% thị phần còn lại và tất nhiên không một doanh nghiệp nào đáp ứng được điều kiện chiếm 25% thị phần của dự thảo.

Như vậy nếu Nghị định được thực thi, sẽ chỉ có Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn được nhập khẩu và sản xuất vàng miếng. Khi đó, các thương hiệu vàng miếng khác muốn sản xuất sẽ phải thuê lại SJC, tức là SJC sẽ được gia tăng thêm quyền độc quyền. Nếu NHNN xác định tình trạng độc quyền của vàng miếng SJC là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn trên thị trường vàng thời gian qua, thì Nghị định mới rõ ràng không xoá bỏ được tình trạng này.

Doanh nghiệp không lo, người dân vẫn thiệt

Ở một diễn biến khác, để thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, dự thảo Nghị định đưa ra thêm những quy định nhằm "lọc" khoảng 12.000 đơn vị kinh doanh vàng hiện nay. Trong đó có những điều kiện mà sẽ rất ít đơn vị đáp ứng được như doanh nghiệp phải: Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Nếu Nghị định được ban hành, số doanh nghiệp được mua bán vàng miếng có thể sẽ giảm đáng kể. Vàng miếng sẽ không còn được mua bán rộng rãi và dễ dàng như hiện nay. Tuy nhiên, có lẽ các doanh nghiệp sẽ không quá lo lắng về điều này. Đã có những doanh nghiệp lớn lên tiếng ủng hộ Nghị định và tỏ ý không lo lắng nếu chính sách được ban hành. Sau khi dự thảo Nghị định trình Chính phủ, ngày 3/11, trong thông điệp phát đi trên trang web của công ty, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PNJ cho biết, năm qua PNJ cũng tập trung vào vàng miếng với khối lượng rất lớn nhưng chỉ chiếm 1% lợi nhuận. Vàng miếng mang lại doanh thu cao nhưng biên lợi nhuận thấp. PNJ không đặt nặng lợi nhuận vào kinh doanh vàng miếng. Do đó, PNJ không lo lắng nếu chính sách này được ban hành.

Mua bán vàng miếng sẽ khó khăn hơn, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người dân sẽ không tìm đến vàng như một phương tiện cất giữ truyền thống. Thực tế, trước khi vàng miếng xuất hiện và được mua bán phổ biến, người dân vẫn quen với việc cất giữ vàng trang sức, nhất là nhẫn tròn trơn. Không kể giới đầu tư, kinh doanh vàng chuyên nghiệp, những người dân sử dụng vàng làm phương tiện cất giữ sẽ gặp khó khăn đáng kể với quy định mới. Theo một luật bất thành văn của các tiệm vàng hiện nay, với vàng trang sức, người dân luôn phải chịu mất một khoản chi phí gia công cho mỗi đơn vị vàng trang sức bán ra. Ngay cả đối với mặt hàng nhẫn tròn trơn, các tiệm vàng hiện nay đều chỉ chấp nhận mua đúng với giá bán niêm yết đối với các sản phẩm của chính doanh nghiệp kèm theo giấy bảo hành. Với tất cả các sản phẩm vàng trang sức khác thương hiệu, khi bán người bán sẽ phải chịu giá thấp hơn khoảng 1-2% so với vàng cùng tuổi bán ra tại cửa hàng.

Như vậy, trong trường hợp Nghị định được ban hành, những người có nhu cầu mua vàng có thể phải đối mặt với hai tình huống mà họ đều bị thiệt: Thứ nhất mua và cất giữ vàng trang sức, khi đó sẽ chịu thiệt kép, vừa thiệt về chênh lệch giá mua bán vàng, vừa chịu thiệt về chi phí chế tác và chi phí bán vàng khác thương hiệu. Thứ hai, trường hợp mua vàng miếng, người mua không phải chịu các khoản phí khi bán, nhưng họ sẽ chịu rủi ro về sự lũng đoạn về giá trong bối cảnh thị trường vàng miếng còn duy trì tình trạng độc quyền, đó là tình trạng hai giá vàng như với hai giá ngoại tệ hiện nay.


Không nên để doanh nghiệp nhập khẩu vàng miếng

“Quan điểm của tôi là không cho phép một doanh nghiệp trong nước đứng ra bảo lãnh VND bằng vàng mang "trade mark" riêng của họ như hiện nay. Như vậy, VND - một đồng tiền của quốc gia lại được bảo đảm bởi một hãng chỉ có danh tiếng thấp và thất thường, do vàng của họ thường không được công nhận lẫn nhau trên thị trường Việt Nam, chưa nói quốc tế. Bằng chứng là khi họ mua vàng để xuất khẩu sang Thụy Sỹ thì lại phải tinh luyện lại. Nghị định nên thiết kế lại, theo hướng phân biệt vàng trang sức - hàng hóa và vàng tiền tệ - vàng miếng do NHNN tập trung và độc quyền. Vàng trang sức nên khuyến khích kinh doanh hết mức để tạo công ăn việc làm cho xã hội, tăng thương mại... Hướng các doanh nghiệp từ trước đến nay chỉ nhập khẩu vàng miếng sang kinh doanh vàng trang sức... Không được dùng ngoại tệ quá nhiều để nhập khẩu vàng miếng vào Việt Nam rồi "hạ cấp vàng" theo cách cắt nhỏ ra bán làm cho nguồn vốn bằng vàng nắm chết trong dân tới hàng ngàn tỷ như hiện nay. Hiện tại, dự thảo chỉ có lợi cho các công ty kinh doanh vàng mà không có lợi cho Nhà nước và người dân".

Ông Lê Văn Hinh, nguyên Trưởng phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô

(Ngân hàng Nhà nước)

Dễ nảy sinh tiêu cực từ độc quyền

"Nếu chỉ mình SJC đủ điều kiện sản xuất thì các doanh nghiệp phải thuê SJC gia công là tất yếu. Do độc quyền nên chỉ mình khâu gia công cũng dễ này sinh tiêu cực nếu doanh nghiệp nào đặt gia công cần chuyển hàng gấp. Vì trước đây từng có thời điểm người dân mua vàng nhiều, 8 thương hiệu gia công vàng đều không đáp ứng đủ yêu cầu nên có hiện tượng khan hàng. Nếu Dự thảo Nghị định thành Nghị định và quyền kinh doanh vàng miếng rơi vào tay SJC thì chuyện đáp ứng đủ yêu cầu rất khó thực hiện được".

Ông Trần Nhật Nam, Trưởng phòng Kinh doanh

(Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu)

Kỳ Anh (ghi)

Theo Đắc Kiên (Gia đình)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.