Sức cầu căn hộ cao cấp kỳ vọng sẽ cao hơn sau khi Việt kiều và người nước ngoài được nới lỏng điều kiện mua nhà
Khuyến khích đầu tư nước ngoài
Ông Hà cho biết, hiện tại có hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, trong đó tập trung nhiều nhất tại Hoa Kỳ, với lượng kiều hối gửi về nước hàng năm đạt trên 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Do đó, nhu cầu mua nhà tại Việt Nam của các đối tượng này để ở và đầu tư kinh doanh là rất lớn.
Chính vì vậy, nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nguồn vốn ngoại tham gia vào thị trường bất động sản, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã “mở” thêm cho nhiều đối tượng tham gia. Cụ thể, Dự thảo Luật mới quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam, thì có quyền sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu.
Đối với cá nhân nước ngoài, phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mới được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Liên quan đến quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài, Dự thảo Luật quy định, trường hợp xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, chủ đầu tư không được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó, mà Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa bán, chưa cho thuê mua. Trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê, Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư với thời hạn sở hữu nhà ở theo thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.
Đặc biệt, Dự thảo Luật mới quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam có các quyền về nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước, nhưng phải tuân thủ các quy định cụ thể. Theo đó, chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu loại nhà ở thương mại (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng khu vực, trong từng thời kỳ khác nhau và tại khu vực không bị hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại theo quy định của UBND cấp tỉnh; không được mua quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại, nếu là nhà ở riêng lẻ (nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề), thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường chỉ được mua và sở hữu không quá 250 căn.
Ngoài ra, Dự thảo Luật còn cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, nhưng không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu. Đối với tổ chức nước ngoài, được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm.
Ông Hà cho rằng, với việc đề xuất sửa đổi và mở rộng nhiều nội dung như trên, sẽ góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường, từ đó góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Lợi nhiều bề
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2013, cả nước chỉ có 126 trường hợp cá nhân và tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam, như TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa... Trong đó, 80% là các cá nhân nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm khoảng 20%.
Hơn nữa, trong số hơn 100 trường hợp cá nhân nước ngoài đã mua nhà ở tại Việt Nam, cũng chủ yếu tập trung vào cá nhân kết hôn với công dân Việt Nam. Cá nhân nước ngoài trực tiếp đầu tư vào Việt Nam hoặc được doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước) thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp chiếm khoảng 15%; cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 5%.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong nhiều nguyên nhân khiến không có nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có nguyên nhân giá cả nhà ở tương đối cao, nên nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài chọn phương án thuê nhà ở thay vì mua nhà, nhằm giảm chi phí.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, chủ sở hữu nhà ở là các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước. Quy định này không hấp dẫn đối với những trường hợp cá nhân nước ngoài phải di chuyển nhiều do yêu cầu công việc lại không được cho thuê hoặc kinh doanh nhà ở đã mua.
Chính vì vậy, theo ông Nam, việc mở rộng quyền được mua nhiều nhà ở, được cho thuê nhà ở, bán nhà ở… như tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được kỳ vọng không chỉ giúp giải phóng hàng tồn kho bất động sản, mà Nhà nước còn có thể thu được tiền thuế trong hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê nhà ở hoặc kinh doanh dịch vụ khác mà có sử dụng nhà ở của đối tượng này.