Các chủ nhà Trung Quốc, vốn đang oằn mình vì gánh nặng giá nhà đất giảm và thanh toán khoản vay thế chấp tăng, đang cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng và hoạt động không thiết yếu, bao gồm du lịch.

https://img.lemde.fr/2023/01/05/1/0/2500/1666/1440/960/60/0/8570e0b_1672914720289-ap988151764953.jpg

Năm 2019, khách Trung Quốc nằm trong số những người đi du lịch nhiều nhất thế giới. Họ đã chi hơn 250 tỷ USD để du lịch nước ngoài, gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là người Mỹ, với hơn 150 triệu chuyến bay quốc tế đã khởi hành.

Đại dịch COVID-19 đã gây chấn động ngành du lịch Trung Quốc cũng như thế giới. Nhưng bất chấp việc nới lỏng các hạn chế về đi lại và du lịch toàn cầu phục hồi hậu đại dịch, khách du lịch Trung Quốc vẫn chậm chạp quay trở lại với hoạt động từng được họ vô cùng yêu thích trước đây. Lý do, thật thú vị, có thể được tìm thấy ở chính thị trường bất động sản đang khủng hoảng của quốc gia này.

Bất động sản đang gây thêm rắc rối

Bất động sản Trung Quốc đang trải qua khủng hoảng với hàng loạt vụ vỡ nợ liên tiếp của các đại gia trong ngành từ năm 2022 tới nay.

Gần nhất, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Country Garden, đã lỗ 7,1 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2023. Tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng vỡ nợ đã khiến cổ phiếu của công ty này lao dốc.

Một nhà phát triển lớn khác, tập đoàn China Evergrande, đã báo lỗ 4,5 tỷ USD trong cùng giai đoạn và đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ vào tháng 08/2023. Evergrande đã thu hút sự chú ý của quốc tế vào năm 2021 sau khi vỡ nợ với khoản nợ 300 tỷ USD, trở thành đại gia đầu tiên rơi xuống từ núi nợ bất động ủa Trung Quốc.

Một lý do chính - nếu gián tiếp - khiến ngành bất động sản Trung Quốc rung chuyển là do chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ việc bán đất, cũng như thuế bất động sản và phí phát triển bất động sản. Đồng thời, khoảng 70% tài sản của người dân Trung Quốc nằm ở ngành bất động sản.

Những thực tế trên đã hấp dẫn các nhà phát triển cũng như chính quyền địa phương vay mượn quá mức để tài trợ cho các dự án mới. Khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện các quy định nghiêm ngặt hơn để hạn chế đầu cơ và kiểm soát giá nhà, thị trường đã hạ nhiệt theo dự đoán – và vẫn đang tiếp tục hạ nhiệt.

Trong tháng 7, doanh số bán nhà mới từ 100 nhà phát triển hàng đầu Trung Quốc đã giảm 33% so với năm trước. Giá nhà cũng đang sụt giảm.

Điều này đã gây ra hàng loạt tác động lên nền kinh tế Trung Quốc. Rõ nhất là, khi nhu cầu về vật liệu xây dựng và lao động giảm, việc tuyển dụng ít hơn và người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng. Chính quyền địa phương cũng đang phải vật lộn để duy trì hoạt động với nguồn thu ít ỏi, trong đó một số tỉnh buộc phải cắt giảm lương và phúc lợi của cán bộ chính quyền.

Staycation lên ngôi

Tình hình đang đặc biệt khó khăn đối với chủ nhà, những đang phải nhìn giá bất động sản của mình giảm xuống từng ngày. Điều này đã tác động lan tỏa đến chi tiêu, khiến người tiêu dùng thận trọng ngày càng ưu tiên tiết kiệm, từ đó làm trầm trọng thêm thách thức kinh tế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những gì xảy ra ở Trung Quốc đang ảnh hưởng lên kinh tế thế giới. Trong đó, ngành du lịch toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề khi các chủ nhà Trung Quốc cắt giảm chi tiêu.

Nhìn chung, chi tiêu du lịch nước ngoài của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm gần 70% trong năm nay so với mức đỉnh trước đại dịch.

Công bằng mà nói, du lịch ở Trung Quốc đang phục hồi trở lại - ở một mức độ nào đó - khi những du khách tiết kiệm ngày càng lựa chọn những kỳ nghỉ gần nhà (staycation) hơn. Học viện Du lịch Trung Quốc dự đoán rằng du lịch nội địa sẽ đạt 90% mức trước đại dịch vào năm 2023. Nhưng chỉ riêng điều đó sẽ không bù đắp được tác động khiến niềm tin của người tiêu dùng giảm sút. Một phần nguyên nhân là do số tiền du khách sẵn sàng chi tiêu đã giảm xuống.

Đối mặt với những thách thức về nhu cầu cũng như ảnh hưởng của Covid-19 và xung đột địa chính trị, các công ty du lịch Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt trong những năm gần đây. Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022, khoảng 8.500 đại lý và doanh nghiệp du lịch tuyên bố phá sản. Ngay cả khi nếu một số công ty trong nhóm này mở cửa trở lại, thì các thách thức về kinh tế vẫn là chỉ dấu tiêu cực với hoạt động của họ trong thời gian tới.

Du lịch toàn cầu đã phải đối mặt với một vài năm đầy thử thách, với đại dịch và chi phí nhiên liệu tăng cao đã cản trở những du khách tiềm năng lên đường. Đặc biệt, khi người tiêu dùng Trung Quốc đang cảm thấy mất niềm tin ở nền kinh tế và lựa chọn những kỳ nghỉ khiêm tốn hơn ở trong nước, thì quá trình phục hồi của du lịch toàn cầu sẽ càng khó khăn hơn nhiều.

  • Các tập đoàn bất động sản tư Trung Quốc gặp khó

    Các tập đoàn bất động sản tư Trung Quốc gặp khó

    Hai năm sau sự sụp đổ của China Evergrande, việc gã khổng lồ bất động sản Country Garden đang gặp khó khăn có thể tạo ra những vấn đề tồi tệ hơn cho nền kinh tế cũng như ngành bất động sản Trung Quốc.

Lam Vy (CNA)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.