Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 vừa diễn ra, TS Lê Xuân Nghĩa dự báo kinh tế sẽ phục hồi nhẹ bắt đầu từ quý 4/2023 cho đến nửa đầu năm sau.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, cho rằng năm 2022 Việt Nam kiểm soát được lạm phát không chỉ nhờ chính sách tiền tệ mà còn có đóng góp rất lớn của chính sách tài khóa.

Bước sang nửa đầu năm nay, hai chính sách này có vẻ vẫn kết hợp được với nhau. Trong đó, chính sách tài khóa tiếp tục theo xu hướng giảm một số loại thuế (quan trọng nhất là thuế VAT), còn chính sách tiền tệ bắt đầu quay sang hướng hỗ trợ phục hồi.

Nhiều doanh nghiệp đang chịu lãi vay 14-15%/năm

Mặc dù lãi suất đã giảm khá nhanh nhưng chủ yếu vẫn ở phân khúc tiền gửi, trong khi lãi suất cho vay dù có giảm nhưng vẫn còn cao.

Ông Nghĩa dẫn trường hợp một doanh nghiệp vay tại một ngân hàng tên tuổi với lãi suất 17% làm điện mặt trời. Gần đây doanh nghiệp được ngân hàng hứa giảm xuống 15%, đến tháng 9 này mới được giảm xuống 14%.

“Như vậy, lãi suất thực 10%/năm không có nước nào cao như thế. Ngân hàng Nhà nước gần đây đã nỗ lực nhưng lãi suất cho vay vẫn rất cao”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: Báo đầu tư

Tại sao lại như vậy? ông Nghĩa đặt câu hỏi và chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân thấy lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang lo ngại tỷ giá hối đoái biến động theo hướng nào.

Tuy vậy, theo chuyên gia này, có 3 yếu tố để thấy áp lực về tỷ giá sẽ giảm. Thứ nhất USD khó tăng trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.

Thứ hai, nguy cơ tăng giá dầu có nhưng không lớn. Trong nước, Bộ Tài chính vẫn đưa ra các giải pháp hỗ trợ kìm chế giá xăng dầu.

Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.

“Tỷ giá và kinh tế vĩ mô năm tới dự báo duy trì ổn định, đây là điều kiện cho thị trường tài sản, đặc biệt là thị trường chứng khoán có thể đứng vững hoặc phục hồi nhẹ trong thời gian tới”, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá.

Vẫn còn dư địa giảm lãi suất

Về bức tranh kinh tế, ông Nghĩa dự báo kinh tế sẽ phục hồi nhẹ bắt đầu từ quý 4/2023 cho đến nửa đầu năm sau.

Theo chuyên gia này, kinh tế Việt Nam có phụ thuộc rất lớn vào đầu tư nước ngoài, chiếm tới 20% GDP, đầu tư nước ngoài cũng có sức hút mạnh hơn so với bình quân toàn thế giới. Đây là yếu tổ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn.

Về lãi suất, theo ông Nghĩa lãi suất còn phụ thuộc vào xu hướng của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Mỹ gần như cuối năm nay dừng tăng và bắt đầu giảm sẽ bắt đầu từ năm 2024. Châu Âu cũng tương tự. Vì vậy, vẫn còn cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.

Tại diễn đàn, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital cho rằng các tổ chức lớn như World Bank, IMF,FED… có những dự báo ngược chiều về nền kinh tế Việt Nam. Điều này cho thấy sự lúng túng của các tổ chức khi cố gắng phân tích các biến số tác động đến kinh tế vĩ mô.

Theo ông Dominic, điều khác biệt giữa chính sách tiền tệ của Việt Nam với các quốc gia phương Tây là lạm phát. Với lạm phát được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có dư địa tạo điều kiện thuận lợi cho các thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán. Đó là lý do giúp nhà đầu tư phục hồi một phần khoản lỗ từ năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Dominic cho rằng nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đang có nhận định quá lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

“Nhiều dự báo lạc quan cho rằng tăng trưởng lợi nhuận công ty niêm yết năm sau có thể đạt 24%. Cá nhân tôi cho rằng nhận định đó hơi chủ quan. Bởi vì nhiều đầu tàu lớn cho nền kinh tế thế giới đều đang có vấn đề”, Chủ tịch Dragon Capital cho biết.

Do đó, lãnh đạo Dragon capital cho rằng nhà nhà đầu tư cần phải quản trị rủi ro. Thứ hai, cần đa dạng hoá danh mục. Và cuối cùng là đánh giá đúng khẩu vị rủi ro của mình.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam,
Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.