Năm 2003, có 3 dự án thuộc nhóm A được Chính Phủ phê duyệt đầu tư xây dựng gồm: Dự án Tòa nhà Trung tâm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Tây Bắc và Đại học An Giang. Cho đến nay 2 trong 3 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, chỉ còn Dự án Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (KTQD) rơi vào bê tắc “dang dở”, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân do đâu?

Dự án xây dựng nhà trung tâm đào tạo trường đại học KTQD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003, là dự án thuộc nhóm A nên được quan tâm, ưu tiên đặc biệt vì đây là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực cho ngành kinh tế và hiện đại hóa giáo dục, giúp Việt Nam có một cơ sở vật chất đẳng cấp quốc tế. Theo thiết kế, công trình có một tòa tháp đôi 19 tầng và 13 tầng, tổng diện tích gần 96.000m2 sàn. Công trình chính thức được khởi công xây dựng vào năm 2006, với tổng mức đầu tư là 518,1 tỷ đồng. Thời gian dự án hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên cho đến nay, công trình đang bị “đắp chiếu” và mức trượt giá thời điểm hiện tại của công trình đội giá lên khoảng 1.400 tỷ đồng.

Có chứng kiến thực tế mới thấy được sự xót xa của công trình đáng lẽ hiện tại đã đưa vào sử dụng. Trên đại công trình dang dở, vắng ngắt này là sự ngổn ngang mà bất cứ ai chứng kiến cũng phải bức xúc. Hiện tòa nhà đã xây dựng phần thân đến tầng thứ 7 thì nhà thầu bắt buộc phải dừng lại do thiếu vốn và hệ lụy là đã hơn 2 năm nay do dầm mưa, dải nắng các cốt thép trên tường nhà, cẩu tháp, giàn giáo chỏng chơ và hoen gỉ. Chỉ tay về phí tầng hầm, anh Long bảo về công trường cho biết: Khu tầng hầm và ngay trên tầng 1 do không có mái che nên đã bị ngập nước cục bộ, kéo dài từ tháng này qua tháng khác, gây lãng phí tiền của và ảnh hưởng đến chất lượng công trình nghiêm trọng.

Đại diện nhà thầu, Tổng giám đốc Tổng công ty 36, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp bức xúc: Theo hợp đồng đã ký thì chủ đầu tư phải đảm bảo vốn cho nhà thầu theo tiến độ, nhưng không ngờ sau khi ký hợp đồng và tiếng là dự án trọng điểm của một Bộ được Chính phủ đầu tư ngân sách cực lớn, chiếm tới 20% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng việc bố trí vốn lại rất “lôm côm”. Tổng công ty 36 cho đến nay đã làm hàng nghìn công trình, dự án cho các bộ, ngành, địa phương nhưng chưa thấy ở đâu “ông chủ quản” làm ăn “tiền hậu bất nhất”, thiếu chữ tín như ở đây. Là dự án lớn và đã kéo dài 6 năm, công trình đội giá lên 1.400 tỷ đồng, nhưng hàng năm nhà thầu chỉ nhận được khoảng 30-40 tỷ đồng, quá ít so với tiến độ thi công. Không những vậy, năm 2011 số tiền ít ỏi này còn bị cơ quan chủ quản giải ngân cho nhà thầu chỉ 18,3 tỷ đồng, còn 11,7 tỷ đồng bị Bộ Giáo dục và Đào tạo thu về và cấp cho dự án khác.

Được biết trên công trình này, để giữ uy tín, nhà thầu là Tổng công ty 36 đã bỏ tiền túi trên 100 tỷ đồng để thi công công trình, nhưng cho đến nay vẫn chưa được thanh toán, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Trong khi công trình hiện đại nhất của nền giáo dục Việt Nam còn dang dở, thì hàng nghìn sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân phải chấp nhận ngồi học tại các địa điểm tạm bợ mà nhà trường thuê lại của các trường đại học tư thục để trau dồi kiến thức từ nhiều năm nay. Một thực tế xót xa đang tồn tại hiện hữu ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cái nôi đào tạo ra những nhà kinh tế hàng đầu của đất nước.

Dưới đây là những hình ảnh được ghi lại vào cuối tháng 6/2012 về công trình dở dang này:
“Ông chủ quản” làm ăn “tiền hậu bất nhất”, gây ra tình trạng
công trường đang thi công bị bỏ dở
Khu tầng hầm và ngay trên tầng 1 do không có mái che nên đã bị ngập nước cục bộ,
kéo dài từ tháng này qua tháng khác
Hiện tòa nhà đã xây dựng phần thân đến tầng thứ 7 thì nhà thầu bắt buộc phải dừng lại
do thiếu vốn
Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.